Xuất khẩu thép khả quan
18/05/2018 15:18
Theo nhận định của các chuyên gia, hoạt động XK thép trong các năm gần đây đã đạt được những kết quả tích cực. Ngành thép đang dần đạt được những chuẩn mực quốc tế trong sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm, tạo ra những lợi thế so với những nhà sản xuất thép hàng đầu.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Á Châu (ACBS), trong vòng 5 năm trở lại đây, hoạt động XK thép đã đạt được sự phát triển nhất định, khi tỷ lệ NK (tính trên tổng sản lượng tiêu thụ) luôn ghi nhận mức tăng trưởng liên tục. Nếu như trong năm 2012, XK thép trong nước chiếm 15,9% tổng sản lượng tiêu thụ (SLTT), thì năm 2017, hoạt động XK đã chiếm 20,8% và đạt mức tăng trưởng 23,9% trong quý I/2018.
Số liệu thống kê về tổng sản lượng thép XK trong 5 năm gần đây cũng cho thấy sản lượng thép XK đã có sự tăng trưởng từ mức 1,17 triệu tấn trong năm 2012 lên 3,76 triệu tấn thép trong năm 2017, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm ở mức 26,3%, cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng của SLTT trong nước (chỉ ở mức 19,8%).
Tại thị trường Việt Nam, hai nhóm sản phẩm chiếm vị trí chủ chốt bao gồm thép xây dựng và tôn mạ. Trong đó, mặt hàng tôn mạ đang dẫn đầu về XK, với tỉ lệ XK duy trì ở mức 40% trong vòng 4 năm qua. Cùng với mức tăng kỉ lục 50,8% trong quý I/2018, tôn mạ trở thành mặt hàng XK chính của Việt Nam. Bên cạnh đó, thép xây dựng đang là động lực thúc đẩy hoạt động XK của cả ngành thép trong thời gian gần đây với mức tăng trưởng XK 11,2% trong năm 2017 và 14,4% trong quý I/2018.
Tính chung 3 tháng đầu năm, kim ngạch XK thép đã vượt mốc 1 tỷ USD và đang có xu hướng tăng cao.
Theo nhận định của ông Nguyễn Trí Cường, chuyên gia phân tích của ABCS, tuy những lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ đang tăng cao nhưng hoạt động XK thép Việt Nam vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng liên tục trong các tháng đầu năm 2018. Theo ông Cường, mức thuế quan do Mỹ áp đặt không ảnh hưởng quá lớn đến ngành thép khi đã có nhiều thị trường XK thay thế tiềm năng cho các DN XK thép của Việt Nam bao gồm khu EU, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật và khu vực Đông Nam Á. Trong đó, EU, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật đã có mức tăng đáng kể về tỷ trọng, từ dưới 2,5% trong năm 2016 lên 18,2% tổng lượng thép XK Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2018. Thêm vào đó, với mức chi phối đáng kể, khu vực Đông Nam Á vẫn đang liên tục duy trì vị thế dẫn đầu trong hoạt động XK thép cả nước nhiều năm gần đây. Do đó, sự sụt giảm trong XK vào thị trường Mỹ hoàn toàn có khả năng thay thế bởi những thị trường tiềm năng trên.
Một lựa chọn thay thế khác chính là thị trường nội địa, khi nguồn cầu trong nước được dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng 20%/năm trong thời gian tới do “chất xúc tác” từ sự tăng trưởng của phân khúc nhà ở giá rẻ và các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong nước, bao gồm Cao tốc Bắc Nam, Tuyến đường sắt kết nối vùng Đông Nam Bộ, dự án tàu điện ngầm nội đô, và dự án mở rộng các cảng hàng không (như Cảng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài – giai đoạn 3, và càng hàng không quốc tế Long Thành).
Bên cạnh hoạt động XK, theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, lượng sản xuất và tiêu thụ thép trong 4 tháng vừa qua tương đối tốt vì thời tiết thuận lợi, ngành xây dựng nước ta vào mùa. Theo đó, lượng sản xuất thép tháng 4 đã đạt 850.000 tấn, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Ước 4 tháng đầu năm đạt 3,21 triệu tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017. Lượng tiêu thụ tháng 4 đạt 830.000 tấn. Tính chung 4 tháng đầu năm đạt 3,07 triệu tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, thời gian tới, ngành thép chịu nhiều áp lực do tình hình bảo hộ thương mại đang diễn ra ngày càng nhiều trên thế giới. Hầu hết các thị trường NK lớn như Mỹ, EU đều khởi xướng điều tra, áp dụng thuế bảo hộ thương mại để bảo vệ thị trường trong nước nên gây nhiều khó khăn cho DN XK. Trong khi đó, thị trường trong nước lại hứa hẹn nhiều triển vọng vì nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và hoạt động đầu tư được chú ý triển khai ngay từ đầu năm. Do đó, để đảm bảo tăng trưởng tiêu thụ thép, các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục có những những chính sách, biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn thép NK để bảo vệ các DN trong nước. Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy các chính sách phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô song song với ổn định lãi suất ngân hàng, tạo niềm tin đối với DN.