Vai trò của Công đoàn trong xây dựng văn hoá doanh nghiệp

Hiện nay, trong tư duy của xã hội, khái niệm văn hoá đã được mở rộng trên mọi bình diện, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này cũng dễ hiểu, vì văn hoá đã được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và mục tiêu của mọi hoạt động kinh tế-xã hội.

22/10/2012 00:00

Hiện nay, trong tư duy của xã hội, khái niệm văn hoá đã được mở rộng trên mọi bình diện, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này cũng dễ hiểu, vì văn hoá đã được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và mục tiêu của mọi hoạt động kinh tế-xã hội.

Có thể hình dung văn hoá như là năng lượng tinh thần vô giá của mỗi con người và của toàn xã hội. Thiếu năng lượng tinh thần đó thì con người khó trở thành con người và mọi hoạt động của con người cũng không thể mang lại hiệu quả xã hội tốt.

Văn hoá doanh nghiệp là gì ?

Có nhiều cách hiểu khác nhau về văn hoá doanh nghiệp, trong đó đơn giản và cụ thể nhất đó là: Văn hoá doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hoá được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, trở thành các giá trị, các quan niệm và tập quán, truyền thống ăn sâu vào hoạt động doanh nghiệp ấy, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi mọi thành viên của doanh nghiệp.

Trong thực tế, sự thành công của một doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc doanh nghiệp đó có bao nhiêu vốn hay sử dụng công nghệ gì mà phụ thuộc vào các doanh nghiệp đó tổ chức những con người như thế nào. Hiện nay, việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp ở nước ta còn có nhiều hạn chế do nền tảng dân trí thấp và phức tạp, các doanh nghiệp phần lớn mới thành lập, quy mô nhỏ dẫn tới tầm nhìn ngắn hạn, chưa có quan niệm đúng đắn về cạnh tranh và hợp tác, lối làm việc thiếu tính chuyên nghiệp và còn bị ảnh hưởng nặng lối tư duy bao cấp... Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo được một điểm nhấn, một hình ảnh đẹp với các đối tác nước ngoài. Việc xây dựng và định hình được văn hoá trong mỗi doanh nghiệp không đơn giản. Nó không phải được liệt kê bằng những khẩu hiệu hay việc cần phải làm mà ở đó từ lãnh đạo đến mỗi người lao động đều có chung một niềm tự hào được làm việc với cái tên của doanh nghiệp, với thương hiệu của sản phẩm mà họ đã đồng lòng tạo dựng và phát triển.

Công đoàn làm gì để góp phần xây dựng văn hoá doanh nghiệp

Để xây dựng được văn hoá doanh nghiệp, trước tiên bản thân các Giám đốc doanh nghiệp phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của văn hoá doanh nghiệp và phải coi trọng việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp.

Công đoàn đóng một vai trò quan trọng trong việc tham gia xây dựng các tiêu chí văn hoá của doanh nghiệp; tuyên truyền sâu rộng và tổ chức thực hiện văn hoá doanh nghiệp tại nhà máy, xí nghiệp của mình. Dưới đây là một số nội dung mà công đoàn cần thực hiện để góp phần xây dựng văn hoá ở doanh nghiệp.

1.Tham gia với lãnh đạo đặt ra một định hướng và tầm nhìn mang tính chiến lược của Công ty (đây cũng chính là để thực hiện chức năng tham gia quản lý). Dựa vào hiểu biết về hoạt động của Công ty, cũng như những mặt mạnh, mặt yếu, những cơ hội, khó khăn mà Công ty đang và sẽ phải đối mặt để góp ý với lãnh đạo nên tập trung nguồn lực vào đâu, đầu tư vào đâu, áp dụng các biện pháp quản lý nào để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững.

2.Tham gia xây dựng cách đánh giá về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Khi đã có một định hướng chiến lược, một kế hoạch thực hiện rõ ràng, công đoàn cần tham gia với lãnh đạo xây dựng mục tiêu để thực hiện kế hoạch đó. Mục tiêu cần phải vạch ra cụ thể cho từng bộ phẩn của doanh nghiệp với hiệu quả chính là phục vụ cho chiến lược tổng thể. Lúc này công đoàn cần phải đẩy mạnh tuyên truyền đến từng người lao động về mục tiêu, tác dụng của việc thực hiện để tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của người lao động, đồng thời cùng với lãnh đạo thường xuyên trao đổi, đánh giá những kết quả, tiến độ, những mặt được và những hạn chế để có biện pháp điều chỉnh và thực hiện mục tiêu đó. Có như vậy những định hướng và kế hoạch đặt ra mới có thể thực hiện được.

3.Tham gia thực hiện khen thưởng trên cơ sở công bằng và tạo ra môi trường làm việc trong sạch, cởi mở, dân chủ. Để làm được việc này, công đoàn cần tham mưu và tham gia cùng lãnh đạo xây dựng quy chế khen thưởng rõ ràng trên cơ sở đánh giá hiệu quả công việc. Khen thưởng ở đây không chỉ là khen thưởng vật chất mà còn bao hàm cả về mặt tinh thần. Đó là lợi khen ngợi chân thành, lời động viên khích lệ đúng lúc, đúng chỗ của lãnh đạo đối với người lao động. Khen thưởng không công bằng sẽ phản tác dụng và chắc chắn sẽ huỷ hoại danh tính, hình ảnh của người lãnh đạo, của doanh nghiệp trong con mắt người lao động.

Môi trường làm việc trong sạch, cởi mở, dân chủ là yếu tố cơ bản của văn hoá doanh nghiệp. Đây chính là những nội dung của quy chế dân chủ mà công đoàn tham gia cùng lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng và chỉ đạo thực hiện.

Vai trò của công đoàn ở đây là phải tuyên truyền để tạo ra được một tác phong làm việc khoa học, một thói quen giao tiếp cởi mở mà mọi người lao động có thể mạnh dạn nói lên suy nghĩ của mình, có thể tham gia góp ý kiến về mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp có được những thông tin quý giá để phát huy sáng kiến, cải tiến quy trình làm việc và đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất kinh doanh.

Để giúp các doanh nghiệp cạnh tranh tốt trên sân nhà và vươn ra thị trường quốc tế, công đoàn cần chủ động phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng cho được văn hoá của doanh nghiệp. Tạo ra một hình ảnh doanh nghiệp đẹp trong con mắt của người tiêu dùng và đối tác nước ngoài. Đó là cơ sở để doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.

(Nguồn: Bản tin CĐCN)