Trung Quốc nỗ lực thay đổi thế bị động trên thị trường quặng sắt thế giới

Nguồn cung và tài nguyên quặng sắt toàn cầu tập trung nhiều ở Úc và Brazil, và các bên bán đã thống trị thị trường trong một thời gian dài. Là một nước nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới, Trung Quốc từ lâu đã cố gắng cải thiện vị thế của mình trong các cuộc đàm phán liên quan đến nguồn nguyên liệu thô này

19/10/2023 13:05

Thay đổi thế bị động khi mua sắm quặng sắt của các doanh nghiệp Trung Quốc bằng cách tập trung hóa mua sắm

Chín tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 876,7 triệu tấn quặng sắt, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2022; đơn giá nhập khẩu bình quân là 111,9 USD/tấn, giảm 8,3% so với cùng kỳ. Lượng quặng sắt nhập khẩu tăng do các nhà máy thép Trung Quốc đẩy mạnh lại hoạt động sản xuất sau gần 3 năm quốc gia này theo đuổi chiến lược Zero Covid. Sản lượng thép sản xuất trong 9 tháng đầu năm 2023 của Trung Quốc đạt 795,07 triệu tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2022, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc.

Hoạt động nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc năm 2023 đã có sự thay đổi khi nhiều nhà sản xuất thép lớn ký hợp đồng thu mua quặng sắt thông qua Công ty TNHH Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc (CMRG).

19-10-2023-1 Nguồn: Hiệp hội Thép Thế giới và Dự báo của Bộ Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Úc

Tháng 7 năm 2022, CMRG được thành lập tại Bắc Kinh với tư cách là một công ty 100% vốn quốc doanh và là một tổ chức đầu tư được nhà nước ủy quyền. Theo Nghị quyết ngày 28/07 của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA), CMRG sẽ thành lập một ủy ban làm việc về quặng sắt với các doanh nghiệp sắt thép lớn của Trung Quốc để chịu trách nhiệm riêng về thu mua quặng sắt trên thị trường toàn cầu. Không chỉ các doanh nghiệp lớn, cơ quan này cũng đại diện cho quyền lợi của các nhà sản xuất thép vừa và nhỏ nhằm đảm bảo cung cấp các nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng như quặng sắt cho ngành thép Trung Quốc.

Việc thành lập CMRG là để tập trung khai thác và xuất/nhập cảng quặng và lập kế hoạch tổng thể để đạt được lợi thế trong đàm phán. Việc này sẽ thay đổi thế bị động về mua sắm quặng sắt của các doanh nghiệp Trung Quốc bằng cách tập trung hóa mua sắm.

Trung Quốc chiếm khoảng 70% lượng nhập khẩu quặng sắt thế giới. Sản lượng nội địa thấp, khiến Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Hơn 80% lượng quặng sắt nhập cảng của Trung Quốc đến từ Úc và Brazil. Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 1,107 tỷ tấn quặng sắt, trong đó khoảng 65% đến từ Australia, hơn 21% đến từ Brazil.

Hiện tại, nguồn cung và tài nguyên quặng sắt toàn cầu tập trung nhiều ở Úc và Brazil, và các bên bán đã thống trị thị trường trong một thời gian dài. Là một nước nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới, Trung Quốc từ lâu đã cố gắng cải thiện vị thế của mình trong các cuộc đàm phán liên quan đến nguồn nguyên liệu thô này. Điều này càng trở nên phù hợp hơn khi các nhà máy đang chịu áp lực tài chính do những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây. Việc ra mắt CMRG vào tháng 7 năm ngoái đã làm rung chuyển ngành khai thác mỏ vì sự xuất hiện của một công ty như vậy có thể thay đổi cấu trúc giá hiện tại.

Mặc dù thông tin về các hoạt động của CMRG vẫn còn hạn chế nhưng dự kiến sẽ có thêm thông tin rõ ràng hơn khi các cuộc đàm phán về hợp đồng mua bán năm 2024 bắt đầu trong những tháng tới. Từ cuối Quý 3/2023, thị trường đã xuất hiện các thông tin về việc CMRG bắt đầu đàm phán với các nhà cung cấp quặng sắt hàng đầu thế giới như Rio Tinto, BHP, Vale và Fortescue Metals. 

Được biết, trong năm 2023 CMRG tập trung vào các hợp đồng khối lượng theo hợp đồng dài hạn. Tuy nhiên, các thông tin gần đây cho thấy CMRG đang tìm cách hợp tác sang cả thị trường quặng sắt giao ngay. Không rõ việc đẩy mạnh vào thị trường giao ngay sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khả năng đàm phán giá thấp hơn của CMRG cho các nhà máy Trung Quốc.

Dự đoán vào đầu năm 2024, CMRG có thể trở thành nhà mua quặng sắt lớn nhất thế giới khi Tập đoàn này hợp nhất việc mua hàng cho hơn 30 nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc. Động thái hợp nhất mua hàng cho ngành thép của Trung Quốc sẽ mang lại cho CMRG quyền đàm phán lớn hơn đối với quặng sắt, đặc biệt là về mức chiết khấu so với giá thị trường hiện tại. Về triển vọng, CMRG dự kiến sẽ đóng vai trò ngày càng tăng trong các cuộc đàm phán hợp đồng và ấn định giá trên thị trường quặng sắt toàn cầu. 

Dự báo giá quặng sắt năm 2024-2025 

Ngày 3 tháng 10 năm 2023, Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Úc đã dự báo lại giá quặng sắt vào năm 2023 theo hướng tăng – lên 100,3 USD/tấn FOB Úc so với 98,4 USD/tấn FOB Úc trong dự báo trước đó. Dự báo giá cho giai đoạn 2024-2025 cũng tăng lên so với dự báo trước, với mức giá bình quân quặng sắt năm 2024 là 84,5 USD/tấn, và năm 2025 là 75,5 USD/tấn FOB Úc. Còn theo S&P Globals, giá quặng sắt 62% Fe nhập khẩu vào Trung Quốc ngày 18/10/2023 giao động ở mức từ 118,1 – 118,6 USD/tấn CFR Bắc Trung Quốc; còn giá bình quân của tháng 9/2023 ở mức 120,8 USD/tấn CFR.

19-10-2023-2

Nguồn: Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Úc (Resources and Enerrgy Quarterly-September 2023)

Giải pháp gì cho sự phát triển chung của ngành thép Việt Nam

Đối với Việt Nam, hiện vẫn chưa có được các chính sách để đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho ngành thép được tối ưu và phù hợp với tình hình thực tế trong khi ngành thép Việt Nam cơ bản phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài. Nguyên liệu chính cho sản xuất thép (quặng sắt, thép phế), nhiên liệu và vật liệu tiêu hao thường xuyên (than mỡ, coke, điện cực, trục cán, vật liệu chịu lửa…), thiết bị dự phòng cho sản xuất thép hầu hết phải nhập khẩu, nên thị trường thép Việt Nam chịu chi phối lớn bởi thị trường toàn cầu.

Do vậy cần thiết phải có đánh giá những hạn chế, bất cập của ngành thép để từ đó Việt Nam xây dựng Chiến lược nguyên liệu, Chiến lược phát triển ngành thép phù hợp, kết hợp với xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho ngành thép hướng tới mục tiêu Net Zero đến năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại COP26.

Trần Hương