Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép ra thế giới năm 2023
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã nhập siêu 1,1 triệu tấn thép, thâm hụt thương mại là 1,2 tỷ USD. Trong đó thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam tăng rất mạnh tới 38%, đạt hơn 5,5 triệu tấn, chiếm 59% tổng sản lượng thép nhập khẩu.
17/10/2023 13:25
Trung Quốc đã xuất khẩu ra thế giới 66,8 triệu tấn thép trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm 2022; trong khi thép nhập khẩu chỉ ở mức 5,698 triệu tấn, giảm 31,7% so với cùng kỳ năm trước do thị trường trong nước nhu cầu thấp.
Thị trường đầu ra lớn nhất của ngành thép Trung Quốc là thị trường bất động sản, đây cũng là thị trường giữ vai trò đầu tàu của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong suốt nhiều thập kỷ. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng bất động sản toàn diện đang gây ảnh hưởng lên khắp nền kinh tế khi một số doanh nghiệp bất động sản lớn hàng đầu tại Trung Quốc phá sản hoặc có nguy cơ phá sản, lây lan rủi ro sang hệ thống tài chính của Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc suy yếu cũng đồng nghĩa nhu cầu giảm đối với nhiều hàng hoá trong đó có thép.
Do vậy các nhà máy thép Trung Quốc đã xem xuất khẩu như một kênh chính để xả hàng tồn kho khi sản xuất tăng. Theo Hiệp hội Thép Trung Quốc (CISA), sản xuất thép thô 8 tháng năm 2023 của quốc gia này đạt 712,9 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022, còn thép thành phẩm các loại đạt 626,5 triệu tấn, tăng 2,5%. Ở tuần cuối tháng 9 vừa qua, mức độ huy động công suất lò cao của 247 nhà máy thép Trung Quốc đạt mức tối đa là 93,08%.
Cùng với đó, Chính phủ Trung Quốc và chính quyền địa phương các cấp liên tục đưa ra các biện pháp nhằm thúc đẩy và tạo môi trường xuất khẩu tích cực hơn cho tất cả các sản phẩm, bao gồm cả thép. Ngoài ra, bên cạnh lợi thế về sản xuất quy mô lớn, giá thành thấp, sự mất giá của đồng nhân dân tệ so với đồng đô la cũng đang mang lại cho các nhà sản xuất Trung Quốc lợi thế cạnh tranh hơn nữa về giá bán. Những yếu tố này sẽ tiếp tục chiếm ưu thế cạnh tranh trong ngắn và trung hạn cho thép xuất khẩu của Trung Quốc trên thị trường thép thế giới từ nay cho đến cuối năm 2023.
Thép của Trung Quốc hiện chủ yếu được xuất khẩu sang các khu vực có ít rào cản thương mại như Đông Nam Á, Nam Á, Trung Đông, Trung Mỹ,…Trong đó thị trường Việt Nam có ưu điểm như: vị trí địa lý gần nhau nên phí vận chuyển thấp hơn so với các thị trường khác; các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ phôi thép đã được Việt Nam dỡ bỏ, các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, ống thép, thép dự ứng lực... đều không phải chịu bất cứ biện pháp phòng vệ thương mại nào.
Ngành thép Việt Nam khó ngay trên sân nhà
Khi Trung Quốc tăng cường xuất khẩu sẽ luôn là áp lực lớn với ngành thép Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, sản lượng thép nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt trên 9,3 triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Trong đó thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam tăng rất mạnh tới 38%, đạt hơn 5,5 triệu tấn, chiếm 59% tổng sản lượng thép nhập khẩu.
Trong bối cảnh nhu cầu trên thị trường nội địa yếu, tiêu thụ chậm, thép nhập khẩu ùn ùn vào thị trường, các doanh nghiệp thép trong nước đều rơi vào tình trạng lao đao, phải tiết giảm sản xuất, sản xuất cầm chừng, công nhân “bí” việc. Thực tế thể hiện qua con số tổng sản lượng sản xuất của các thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) 9 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt hơn 20 triệu tấn, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo VSA, tổng tiêu thụ thép các loại tại thị trường trong nước của các doanh nghiệp trong hội 9 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 13 triệu tấn, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, ngành thép Việt Nam không chỉ đối mặt với tình trạng công suất sẵn có vượt xa nhu cầu sử dụng trong nước khiến tỷ lệ huy động công suất bình quân 9 tháng đầu năm 2023 chỉ khoảng 57%, mà các nhà sản xuất còn bị thêm sức ép cạnh tranh gay gắt đến từ thép nhập khẩu.
Thách thức của quý 4
Với các hoạt động tích cực thúc đẩy xuất khẩu của các doanh nghiệp thép Trung Quốc hiện nay, nhiều khả năng năm 2023 Trung Quốc sẽ đạt sản lượng xuất khẩu thép lên tới 89 triệu tấn, tăng trưởng 30% so với năm 2022. Yếu tố này sẽ là thách thức lớn cho các nhà sản xuất của Việt Nam trong quý 4 trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép tại thị trường trong nước chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng. Các dự án đầu tư công mặc dù đã khởi động nhưng chỉ mới triển khai giai đoạn đầu, trong khi các dự án đường cao tốc thì nhu cầu thép là không nhiều.
Đối với thép xuất khẩu, mặc dù 9 tháng đầu năm 2023 Việt Nam xuất khẩu được 8,23 triệu tấn, tăng trưởng 27,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên triển vọng xuất khẩu trong Quý 4 cũng không mấy sáng sủa khi dự báo tình hình kinh tế, chính trị xã hội, an ninh toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường sẽ ảnh hưởng tới tổng cầu của thế giới.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia phát triển đang đưa ra các hàng rào nhập khẩu mới với lý do môi trường cũng sẽ là thách thức với thép xuất khẩu của Việt Nam …Như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) vừa chính thức có hiệu lực trong giai đoạn chuyển tiếp kể từ ngày 01/10/2023. Sản xuất sắt thép là một trong những ngành thuộc phạm vi cơ chế này. Mặc dù EU sẽ không thu phí carbon biên giới cho đến cuối năm 2025, nhưng CBAM sẽ là gánh nặng cho các doanh nghiệp thép trong việc tính toán và báo cáo số liệu để có thể xuất khẩu vào EU. Các doanh nghiệp sẽ phải nộp báo cáo hàng quý cho EU về lượng khí thải carbon từ sản xuất. Mức phạt nếu không tuân thủ các quy tắc này lên tới 50€ (52 USD) mỗi tấn.
Do vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp ngành thép cần bám sát diễn biến thị trường thép trong nước và thế giới, có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm có chọn lọc các thị trường xuất khẩu vừa tiềm năng, vừa an toàn; phân tán rủi ro phòng vệ thương mại ở một số thị trường trong bối cảnh chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng.
Trần Hương