Triển vọng cổ phiếu ngành thép
20/07/2017 13:45
Thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại đã mang lại những màu sắc tươi sáng cho bức tranh ngành thép nội địa sau một giai đoạn chịu sức ép nặng nề cơn bão giá từ Trung Quốc, thị trường thép trong 6 tháng/2017 lượng tiêu thụ đạt 6,9 triệu tấn thép xây dựng, ống thép và tôn mạ, cao hơn 14,5% so với cùng kỳ. Cổ phiếu ngành thép kỳ vọng những bước tăng trưởng lạc quan trong năm 2017.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép (VSA), các thành viên trong hiệp hội đã xuất khẩu hơn 1,3 triệu tấn thép, tăng mạnh 44,8% so với cùng kỳ. Nhập khẩu thép trong 6 tháng/2017 đạt khoảng 7,5 triệu tấn, thấp hơn so với cùng kỳ 5% về lượng nhưng lại tăng 22% về giá trị.
Đối với các nhà sản xuất thép, lợi nhuận đã cải thiện đáng kể trong ngắn hạn và được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tích cực từ nay đến cuối năm 2017 nhờ tác dụng của các chính sách tự vệ thương mại lên giá bán thép. VSA dự báo tăng trưởng tiêu thụ thép trong 2 quý còn lại của năm 2017 gần bằng nửa đầu năm, ở mức 12% so với cùng kỳ. Trong dài hạn, các chính sách phòng vệ thương mại sẽ hỗ trợ Bộ Công Thuơng tái cơ cấu ngành thép bằng cách khuyến khích đầu tư vào chuỗi sản xuất hiện đại kéo dài tới thượng nguồn để tạo ra nhiều giá trị gia tăng trong sản xuất, dần giảm sự lệ thuộc vào nhập khẩu.
Như vậy, có thể thấy phòng vệ thương mại sẽ tạo ra một số chuyển biến về thị trường thép. Tính tới giữa tháng 4/2017, lượng nhập khẩu phôi thép và tôn mạ lạnh, mạ kẽm giảm lần lượt 87% và 27% so với cùng kỳ do tác động của thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế tự vệ. Vì vậy, sau khi tôn mạ kẽm, mạ lạnh và mạ màu nhập khẩu được áp thuế phòng vệ thương mại, dự báo các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ nâng dần tỷ trọng tiêu thụ nội địa từ mức dưới 50% trong nửa đầu năm 2017. Khi sản phẩm nhập khẩu dần lui khỏi thị trường và mặt bằng giá bán được cải thiện, các DN trong nước sẽ chuyển trọng tâm về thị trường nội địa, nơi nhu cầu tiêu thụ vẫn đang trong đà tăng trưởng rất khả quan.
Hưởng lợi từ việc áp thuế tự vệ, tính từ cuối tháng 5/2016 đến nay, giá cổ phiếu ngành thép đã tăng trung bình hơn 46,6%, vượt trội so với các ngành bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, dầu khí, ngân hàng…
Bên cạnh việc các nhà xuất khẩu sẽ tiếp tục khai thác những cơ hội mới, đồng thời cũng sẽ phải đối mặt với những rủi ro từ xu hướng phòng vệ thương mại trên thị trường thế giới. Trong năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu 4,1 triệu tấn thép, phần lớn nhờ những biện pháp phòng vệ của các nước tiêu thụ thép lớn như Mỹ đối với thép Trung Quốc phá giá. Tuy nhiên, bản thân các DN xuất khẩu của Việt Nam cũng đang đối mặt với những vụ kiện CBPG bởi lượng bán hàng tăng đột biến.
Dưới tác động của xu hướng phòng vệ thương mại, các DN đang trong giai đoạn mở rộng công suất sẽ có khả năng nắm bắt những cơ hội mới, được kỳ vọng sẽ là những điểm sáng của ngành trong những năm tới như HSG, NKG, HPG...