Tín hiệu tích cực cuối năm của ngành thép nhờ thị trường xây dựng khởi sắc
Trong 6 tháng cuối năm, thị trường thép có khả năng tiếp tục hồi phục nhờ kinh tế tăng trưởng tốt, hoạt động đầu tư công được thúc đẩy. Chính phủ cũng rất quan tâm tháo gỡ cho lĩnh vực bất động sản.
19/06/2024 09:45
Kinh tế - xã hội khởi sắc trong những tháng đầu năm đã tạo tiền đề cho ngành thép Việt Nam phục hồi trở lại. Song song với việc tiêu thụ tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp thép đã tận dụng cơ hội thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu.
Đặc biệt, luật về nhà ở và luật kinh doanh bất động sản dự kiến được Quốc hội xem xét và có hiệu lực sớm hơn 5 tháng (từ 1/8/2024) cũng là tiền đề tốt giúp các doanh nghiệp ngành thép phát triển thuận lợi hơn không chỉ trong năm 2024 mà cả những năm tiếp theo.
Đây cũng là điểm nhấn được ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL) chia sẻ với VietnamPlus về hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
- Thưa ông, nhìn lại 5 tháng vừa qua, ông có đánh giá thế nào về tình hình của ngành thép cũng như dự báo kết quả trong nửa đầu năm nay?
Ông Phạm Công Thảo: Mặc dù trong 3 tháng đầu năm nhu cầu mặt hàng thép rất yếu, tuy vậy từ tháng 4,5 giá thế giới nhích nhẹ, tác động tâm lý do vậy nhu cầu tiêu dùng các tháng 4,5 cũng cải thiện tốt hơn.
Tổng quan 5 tháng, thị trường thép trong nước tăng trưởng khá, nhưng dựa trên nền tăng trưởng thấp từ năm 2023, theo đó năm vừa qua được coi là “vùng trũng” của thị trường thép bởi nhu cầu xuống rất thấp và năm nay hồi phục lại.
Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy tổng lượng bán các mặt hàng của các doanh nghiệp thành viên hiệp hội tăng 14%, trong đó thép xây dựng tăng hơn 13%, tuy vậy sự hồi phục của thị trường trong nước vẫn còn yếu và dựa trên nền tảng nhu cầu rất thấp của năm 2023, bù lại xuất khẩu tăng mạnh và trở thành động lực tăng trưởng chính, qua 5 tháng tổng lượng xuất khẩu thép tăng 23% - 24% so với năm ngoái. Đánh giá chung, thị trường đã có sự hồi phục so với năm trước, do vậy kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng này trong nửa cuối năm.
Đối với Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL), tổng sản lượng thép tiêu thụ sau 5 tháng đạt trên 1,4 triệu tấn, tăng trưởng hơn 30%. Tương tự như ngành thép, tăng trưởng chủ yếu ở lĩnh vực xuất khẩu, đặc biệt sản phẩm dẹt như: tôn mạ, thép cuộn cán nguội tăng trưởng tốt, còn thép xây dựng tăng thấp hơn (khoảng 12%) do mặt hàng này phụ thuộc nhiều vào thị trường trong nước.
Trong ngắn hạn thị trường có thể chững lại, bởi hiện nay giá một số mặt hàng thép thế giới có xu hướng điều chỉnh. Đặc biệt, các tháng 6-8 là giai đoạn mùa mưa, không thuận lợi cho hoạt động xây dựng nên nhu cầu cũng yếu.
- Châu Âu là một trong những thị trường tiêu thụ thép lớn của Việt Nam, ông có thể cho biết việc khai báo theo quy định Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của châu Âu có ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty không thưa ông?
Ông Phạm Công Thảo: Có thể thấy, châu Âu đi đầu trong vấn đề giảm phát thải carbon và áp thuế phát thải lên hàng hóa nhập khẩu, nếu doanh nghiệp không có sự chuẩn bị tốt thì sau này sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Hiện nay, châu Âu đang là thị trường xuất khẩu thép chính của Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu thép sang thị trường EU chiếm khoảng 23% tổng lượng xuất khẩu đi và là thị phần rất lớn chỉ sau thị trường các nước Asean.
Vừa qua, EU có yêu cầu, từ cuối năm 2023 đến cuối năm 2025 các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU phải thực hiện báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính. Với nội dung này, phía Hiệp hội thép Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo để phổ biến quy định của CBAM đối với các doanh nghiệp trong nước cũng như thực hành hoạt động kiểm kê phát thải. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu đang thực hiện chế độ báo cáo với EU, đến đầu năm 2026 CBAM sẽ chính thức có hiệu lực (bắt đầu áp thuế phát thải carbon) và dự kiến tới 2034 áp dụng toàn bộ.
Với lộ trình chuyển tiếp từ 2026 - 2034 thì mức thuế carbon sẽ tăng dần, nhưng trước mắt doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về báo cáo cho phía EU. Về nội dung này, ngành thép đang có sự chuẩn bị kỹ càng để sau này có thể đáp ứng được các yêu cầu của EU, tiếp tục duy trì là một trong các thị trường xuất khẩu thép chính của Việt Nam.
- Ông có thể đánh giá những cơ hội việc Vương Quốc Anh gia nhập hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)?
Ông Phạm Công Thảo: Việc Anh tham gia hiệp định CPTPP cũng là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm thép Việt Nam bởi Anh trước đây cũng là một thành viên của EU và các tiêu chuẩn hàng hóa cũng tương đồng với EU, do vậy rất hy vọng khi Anh tham gia hiệp định CPTPP sẽ rộng mở cơ hội để ngành thép xuất khẩu sang thị trường này.
- Rất nhiều đơn vị đã triển khai thành công việc mua, bán, trao đổi tín chỉ carbon, với Tổng Công ty được triển khai như thế nào?
Ông Phạm Công Thảo: Việc mua bán tín chỉ carbon rất quan trọng bởi ngành thép là một ngành có phát thải tương đối lớn. Theo Hiệp hội Thép thế giới, ngành thép chịu trách nhiệm khoảng 7 - 8% cho lượng phát thải carbon trên toàn cầu, do vậy sau này khi cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) có hiệu lực, các doanh nghiệp thép sẽ phải chịu thuế phát thải carbon. Muốn không phải chịu thuế này, các doanh nghiệp phải giảm lượng khí thải trong quá trình sản xuất hoặc mua các tín chỉ carbon để bù đắp, do đó thị trường tín chỉ carbon rất quan trọng.
Thị trường tín chỉ carbon nói chung sẽ phụ thuộc vào chương trình chung của Chính phủ. Mặc dù hiện nay, một số đơn vị đang triển khai nhưng ở góc độ tự phát. Theo Kế hoạch của Chính phủ, đến năm 2025 sẽ xây dựng thí điểm thị trường tín chỉ carbon và lộ trình đến năm 2028 sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ chính thức đi vào hoạt động, điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc mua bán tín chỉ carbon giữa các doanh nghiệp.
Thực tế hiện nay, ngành thép mới đang ở giai đoạn tiếp cận, bởi đến năm 2026 phía EU mới chính thức áp thuế carbon theo CBAM, các doanh nghiệp vẫn đang tìm hiểu và đang triển khai các giải pháp nhằm giảm tối đa phát thải ra môi trường. Đến năm 2026, hy vọng Chính phủ đã bắt đầu xây dựng được thị trường tín chỉ carbon trong nước để các doanh nghiệp có thể mua bán các tín chỉ đó, đáp ứng các yêu cầu đầu vào về phát thải theo quy định của EU.
Thông thường sẽ có quy định về định mức phát thải cho các ngành, những doanh nghiệp thực hiện cao hơn định mức sẽ phải mua thêm tín chỉ carbon để bù đắp, ngược lại những doanh nghiệp thực hiện thấp hơn định mức có thể bán lại tín chỉ carbon trên thị trường. Với các doanh nghiệp thép, mức độ phát thải sẽ phụ thuộc nhiều vào công nghệ, ví dụ lò cao phát thải sẽ nhiều hơn lò điện. Ngoài ra, để giảm phát thải, doanh nghiệp phải ứng dụng các công nghệ tiết kiệm nhiên liệu, công nghệ ít phải thải trong quá trình sản xuất, thay thế nguyên liệu hóa thạch bằng nguyên liệu xanh nhằm giảm phát thải.
- Ông dự báo thế nào về thị trường thép 6 tháng cuối năm? Khả năng hoàn thành kế hoạch sản xuất-kinh doanh và hiệu quả của Tổng công ty?
Ông Phạm Công Thảo: Tổng quan thị trường thép 2024 đang hồi phục nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Công suất sản xuất thép trong nước đang vượt xa so với nhu cầu, mức độ cạnh tranh cao. Dung lượng thị trường trong nước không đủ để tiêu thụ hết nguồn cung nên các doanh nghiệp tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam đang là nước xuất khẩu thép thứ 14 trên thế giới.
Trong những năm vừa qua, sản xuất thép trong nước đã có sự phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, nhu cầu tiêu thụ lại bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhiều yếu tố như đại dịch COVID-19, thị trường bất động sản đóng băng…, do vậy đã làm trầm trọng hơn tình trạng cung vượt cầu trên thị trường. Trước áp lực đó, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu để giảm bớt nguồn cung dư thừa.
Thực tế, hoạt động xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng khá tốt (tăng 23 - 24%), cộng với thuận lợi là tỷ giá USD tăng, nên xuất khẩu tốt thì có thể thu ngoại tệ về bù đắp cho hoạt động nhập khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp thép trong nước cũng chịu sức ép không nhỏ bởi thép nhập khẩu, 5 tháng đầu năm, nhập khẩu các sản phẩm thép vào Việt Nam cũng tăng rất mạnh (trên 40%) so với cùng kỳ.
Trong 6 tháng cuối năm, thị trường thép có khả năng sẽ tiếp tục đà hồi phục nhờ một số yếu tố tích cực như: kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, các chỉ tiêu tăng trưởng được cải thiện qua hàng quý, hoạt động đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy, bên cạnh đó Chính phủ cũng rất quan tâm tháo gỡ cho lĩnh vực bất động sản, xây dựng tạo tiền đề để nhu cầu tiêu thụ thép trong nước tiếp tục phục hồi.
Ngoài ra, những chính sách và một số luật mới dự kiến Quốc hội sẽ áp dụng sớm, như: Luật kinh doanh bất động sản, Luật đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) nếu áp dụng sớm sẽ là một trong những yếu tố góp phần cải thiện nhu cầu cho lĩnh vực bất động sản nửa cuối năm. Với các yếu tố trên, dự báo thị trường nửa cuối năm sẽ hồi phục tốt hơn nửa đầu năm đối với ngành thép.
Đối với Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP, để đảm bảo kết quả sản xuất-kinh doanh, Tổng Công ty đã triển khai nhiều giải pháp để có thể đẩy mạnh được tiêu thụ và giữ vững thị phần trên thị trường, song song với đó cũng tăng cường tìm kiếm các thị trường xuất khẩu do nhu cầu thị trường trong nước hồi phục còn yếu. Bên cạnh đó, Tổng Công ty cũng chỉ đạo các đơn vị thành viên phải tìm kiếm các giải pháp để giảm chi phí hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh với mục tiêu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh 2024 và phấn đấu có hiệu quả tích cực trong năm nay.
Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Xuân Quảng (Nguồn: vietnamplus.vn)