Tiêu thụ thép Trung Quốc có thể giảm 22 triệu tấn vào tháng 3

Cả hai lĩnh vực sản xuất và xây dựng của Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động và gián đoạn trong chuỗi cung ứng, hậu cần. Dự trữ thép tại các nhà máy tiếp tục tăng lên khiến cung vượt cầu, tiêu thụ thép thành phẩm được dự báo giảm 30% trong tháng 3.

27/02/2020 10:11

Cả hai lĩnh vực sản xuất và xây dựng của Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động và gián đoạn trong chuỗi cung ứng, hậu cần. Dự trữ thép tại các nhà máy tiếp tục tăng lên khiến cung vượt cầu, tiêu thụ thép thành phẩm được dự báo giảm 30% trong tháng 3.

Tiêu thụ thép giảm mạnh

Tiêu thụ thép thành phẩm của Trung Quốc tháng 3 ước giảm 22 triệu tấn so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, tiêu thụ gang khoảng 19 triệu tấn (tương ứng 30%) do sự bùng phát của dịch virus corona (Covid-19), theo thông tin từ tổ chức S&P Global Platts.

Ngoài ra, S&P ước tính việc tiêu thụ thép thành phẩm trong tháng 2 giảm 29 triệu tấn (75%) so với cùng kì năm ngoái, tiêu thụ gang khoảng 26 triệu tấn.

Nhận định trên dựa trên dự đoán chính thức của Trung Quốc khi cho rằng, dịch covid 19 bùng phát mạnh nhất từ ngày 15 đến cuối tháng 2 và kết thúc vào tháng 4.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cho biết 32% trong số 183 đơn vị đã hoạt động trở lại vào ngày 12/2. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết nhiều khả năng các nhà máy không thể hoạt động hết công suất do thiếu người lao động và phụ tùng ô tô.

Hoạt động xây dựng phần lớn vẫn đình trệ từ ngày 10 đến 16/2, nhu cầu về thép dài gần như không có.

Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc cho biết khoảng 38 triệu hành khách đã đi chuyển bằng đường sắt trong 20 ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán (25/1 đến 13/2), giảm 170 triệu người so với cùng kì năm ngoái.

Cả hai lĩnh vực sản xuất và xây dựng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động và thiết bị bảo hộ như mặt nạ, gây khó khăn trong việc đáp ứng các biện pháp bảo vệ cần thiết và gián đoạn trong chuỗi cung ứng, hậu cần.

Sản xuất có khả năng hoạt động tích cực hơn so với ngành xây dựng nhờ nguồn nhân lực lao động. Do đó, nhu cầu thép phẳng có thể phục hồi nhanh hơn so với thép dài trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, một số nguồn tin trong ngành xây dựng dự đoán, nhiều công ty sẽ hoạt động trở lại vào tháng 3 không chỉ vì họ hi vọng dịch bệnh sẽ được ngăn chặn, mà còn vì các công ty xây dựng nhỏ sẽ phải đối mặt với vấn đề dòng tiền nếu công việc vẫn bị tạm dừng.

Cung vượt cầu

Trong khi các nhà máy thép của Trung Quốc tăng cường việc cắt giảm sản lượng thì tình trạng dư cung dường như không thể tránh khỏi tại thị trường nội địa vào tháng 2 và 3. S&P ước tính Trung Quốc có thể cắt giảm 7 triệu tấn thép thô trong tháng 2.

Tính đến ngày 12/2, biên lợi nhuận bán hàng nội địa đối với thép cán nóng là 11 USD/tấn và cốt thép là 24 USD/tấn, theo tính toán của S&P.

Mặc dù việc cắt giảm sản lượng dự kiến kéo dài trong tháng 2 và 3, thị trường vẫn có khả năng dư cung do tồn kho thép thành phẩm tăng vọt.

Dự trữ thép thành phẩm tại các nhà máy dự kiến tăng thêm 19 triệu tấn trong tháng 2. Tuy nhiên, xuất khẩu trong tháng có thể thấp hơn so với cùng kì năm ngoái vì các đơn đặt hàng tháng 2 ít hơn. Đơn đặt hàng cho tháng 3, tháng 4 cũng rất kém dù giá thép Trung Quốc giảm.

Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) cho biết, tồn kho thép thành phẩm tại các nhà máy và khu vực sản xuất lớn đã tăng 5 triệu tấn lên 21 triệu tấn trong tháng 1. Điều này sẽ đưa hàng tồn kho thép thành phẩm của Trung Quốc lên 40 triệu tấn vào cuối tháng 2, ước tính tương đương hơn 30% lượng tiêu thụ trong tháng 3.

Tình trạng dư cung trong tháng 3 có thể giảm bớt nếu nhu cầu phục hồi nhanh chóng và các nhà máy thép duy trì việc cắt giảm sản lượng mạnh.

Chính phủ Trung Quốc nỗ lực cứu doanh nghiệp

Chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như bơm thanh khoản vào thị trường, thiết lập khoản vay tái cấp vốn 300 tỉ nhân dân tệ (43 tỉ USD) cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tăng khả năng cho vay của ngân hàng.

Thị trường hi vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng các chính sách tiền tệ và đẩy mạnh chi tiêu của chính phủ vào cuối năm nay để kích thích tăng trưởng, điều này sẽ có lợi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chiếm khoảng 55% tổng mức tiêu thụ thép của Trung Quốc.

Chính quyền một số địa phương cũng nới lỏng các hạn chế đối với việc mua bán tài sản, chẳng hạn như giảm hoặc loại bỏ thuế mua nhà và cho phép bán trước tài sản đó.