Thuế tự vệ ngành thép gần như đã không còn ý nghĩa bảo hộ

Giá phôi và thép xây dựng tại Trung Quốc đang cao hơn tại thị trường Việt Nam nhờ chính sách kích cầu tiêu thụ và thắt chặt nguồn cung là một trong những nguyên nhân khiến mục tiêu bảo vệ các doanh nghiệp thép trong nước của thuế tự vệ hiện gần như đã không còn ý nghĩa.

06/02/2018 14:09

Giá phôi và thép xây dựng tại Trung Quốc đang cao hơn tại thị trường Việt Nam nhờ chính sách kích cầu tiêu thụ và thắt chặt nguồn cung là một trong những nguyên nhân khiến mục tiêu bảo vệ các doanh nghiệp thép trong nước của thuế tự vệ hiện gần như đã không còn ý nghĩa.

Theo Báo cáo ngành thép năm 2018 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Trung Quốc sẽ cắt giảm khoảng 12,5% công suất cho tới 2020.

“Với nhu cầu nội địa tăng trưởng tốt và các biện pháp cắt giảm nguồn cung mạnh tay, bức tranh ngành thép Trung Quốc đã trở nên sáng sủa hơn, ảnh hưởng từ sự dư thừa công suất của Trung Quốc đối với ngành thép thế giới đã giảm đáng kể”, BVSC đánh giá.

Cụ thể, theo BVSC, sản lượng tiêu thụ nội địa tăng khiến sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh 31% trong 11 tháng 2017. Cùng với đó, tồn kho thép Trung Quốc trung bình trong 2 năm 2016-2017 giảm 25% so với giai đoạn 2014-2015 và đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.

Cùng với việc cắt giảm nguồn cung, Trung Quốc cũng tiến hành chính sách kích cầu tiêu thụ thép thông qua việc hỗ trợ thị trường bất động sản thông qua các biện pháp như giảm lãi suất cho vay, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm tỷ lệ đặt cọc mua nhà và bỏ các quy định ràng buộc người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Trung Quốc.

Đồng thời, Trung Quốc cũng giảm thuế tiêu thụ để kích cầu ô tô (chiếm khoảng 8% nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc). Giai đoạn 2016 - 2017, chi tiêu đầu tư công của Trung Quốc tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm.

Năm 2016, Việt Nam đã áp dụng thuế tự vệ đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Kết quả là sản lượng nhập khẩu phôi thép từ Trung Quốc giảm mạnh, giá bán tăng và các doanh nghiệp trong ngành đã có những kết quả kinh doanh rất khả quan sau khi áp thuế.

Tuy nhiên, khi thuế tự vệ hết hiệu lực, ngành thép Việt Nam còn có khả năng cạnh tranh với thép Trung Quốc hay không?

BVSC cho rằng, vai trò bảo hộ của thuế tự vệ gần như đã không còn ý nghĩa

Theo BVSC, hiện tại, tình hình tài chính các doanh nghiệp thép Trung Quốc đã khỏe mạnh hơn rất nhiều so với giai đoạn 2014-2016.

Thêm vào đó, giá phôi và thép xây dựng tại Trung Quốc còn đang cao hơn tại thị trường Việt Nam nhờ chính sách kích cầu tiêu thụ và thắt chặt nguồn cung. Do đó, thuế tự vệ với mục tiêu bảo vệ các doanh nghiệp thép trong nước hiện gần như đã không còn ý nghĩa.

“Trong giai đoạn 2018 – 2020, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực thi các biện pháp cải cách ngành thép để tăng tính tập trung, loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém và giảm tình trạng dư thừa công suất. Do đó, tình trạng chấp nhận bán lỗ như năm 2015 để xuất khẩu được hàng và gây ảnh hưởng tới các quốc gia lân cận sẽ khó có thể xảy ra”, BVSC cho hay.