Thu gần 2,5 tỉ USD từ xuất khẩu sắt thép
12/11/2019 16:58
Xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam tăng mạnh dù đây là sản phẩm bị áp thuế tự vệ thương mại nhiều nhất.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong 9 tháng năm nay, xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép đạt gần 2,5 tỉ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước.
Sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang sáu thị trường chủ lực đó là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc và Campuchia đều đạt kim ngạch trên 100 triệu USD. Trong đó xuất sang thị trường Mỹ cao nhất với 500,73 triệu USD, tăng 40,79% so với cùng kỳ năm 2018.
Nếu xét về tốc độ tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu nhóm hàng này thì Thụy Điển tăng vượt trội, gấp 3,3 lần (tức tăng 231,99%) tuy chỉ đạt 60,06 triệu USD; xuất sang thị trường Na Uy cũng tăng gấp gần 3 lần đạt 1,2 triệu USD. Ở khu vực ASEAN, sản phẩm sắt thép Việt Nam xuất sang Campuchia cũng tăng 53,42% tuy chỉ đạt 118,16 triệu USD.
Nhìn chung, 9 tháng đầu năm nay tốc độ xuất khẩu sang những thị trường chủ lực đều tăng trưởng. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu sang thị trường Ả Rập Xê Út giảm 53,54% xuống còn 5,77 triệu USD. Bên cạnh đó, xuất sang Myanmar cũng giảm 53,27% xuống còn 40,44 triệu USD và sang Thái Lan là sụt giảm 20,62% và chỉ đạt 151,17 triệu USD.
Ngoài những thị trường kể trên, sản phẩm sắt thép của Việt Nam còn được xuất khẩu sang các nước khác như: Hà Lan, Úc, Bỉ, Indonesia… Bên cạnh đó, sản phẩm từ sắt thép của Việt Nam trong 9 tháng vừa qua đã tìm thêm một số thị trường mới như Mozambique, Bangladesh, Romania, Pakistan, Séc, Phần Lan... với kim ngạch từ vài trăm nghìn đến gần 6 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép gia tăng mạnh trong 9 tháng vừa qua được xem là nỗ lực của các doanh nghiệp. Tuy nhiên điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ bị khiếu kiện.
Theo Bộ Công thương, tính đến hết tháng 9.2019, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị 154 vụ kiện phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra tại 19 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Mỹ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất với 30 vụ, thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ với 21 vụ, thứ ba là Ấn Độ với 20 vụ và thứ tư là EU có 14 vụ... Trong đó, sản phẩm từ sắt thép dẫn đầu về số lượng trong các vụ kiện phòng vệ thương mại nói trên.