Thị trường thép xây dựng nội địa điều chỉnh giảm giá lần thứ 3 trong tháng 6/2022

Giá giảm, sức mua yếu tiếp tục là nét chính của thị trường thép xây dựng nội địa hiện nay trong bối cảnh giá của hầu hết các nguyên liệu luyện kim trên thị trường thế giới bất ngờ giảm sâu và đồng loạt tại tất cả các thị trường, trong khi đó Liên hợp quốc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới.

21/06/2022 16:57

Đợt giảm giá thép xây dựng lần thứ 3 của tháng 6/2022 đã diễn ra vào cuối tuần trước (ngày 18/6) và đầu tuần này (ngày 20 và 21/6) với mức điều chỉnh giảm phổ biến và đồng loạt cho cả thép cây và thép cuộn là 100.000 đồng/tấn. Đây được coi là đợt giảm giá lần thứ 7 kể từ chuỗi giảm giá liên tiếp kéo dài từ tháng 5/2022 cho tới nay. Sau đợt điều chỉnh giảm này, tổng mức giảm của cả 7 đợt đối với thép cuộn phổ biến từ 1,85 – 2,2 triệu đồng/tấn, thép cây dân dụng giảm từ 1,7 – 2,1 triệu đồng/tấn.

21-6-2022 1 21-6-2022 2

Giá thép xây dựng nội địa điều chỉnh giảm trong bối cảnh sức tiêu thụ của thị trường khá yếu và giá của phần lớn nguyên liệu luyện kim trên thị trường thép thế giới đang đi xuống. Cầu của thị trường thép xây dựng nội địa thấp một phần do ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi, và thị trường có tâm lý chờ đợi khi thấy giá quặng sắt, thép phế, phôi thép thế giới giảm. Theo một số nhà sản xuất và thương mại đánh giá, lượng tiêu thụ thép xây dựng của thị trường nội địa tuần từ ngày 13/6 đến hết ngày 18/6 giảm từ 10-12% so với tuần liền kề trước đó.

Có thể thấy áp lực cung cầu đang đè nặng lên thị trường thép thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nhu cầu thấp trong khi sản lượng tồn kho lại ở mức cao dẫn đến giá giảm liên tục.

Giá thép phế thế giới đã giảm đáng kể trong tuần trước và tiếp tục diễn biến giảm trong đầu tuần này (ngày 20/6), đây là mức giá thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Thị trường thép phế thế giới được nhận định sẽ tiếp tục dò đáy trong tuần này. Nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu chưa phục hồi, giá thép thành phẩm tiếp tục giảm được cho là những nguyên nhân chính khiến thị trường phế liệu ảm đạm và giá giảm sâu.

21-6-3 Nguồn: Platts

Tại Việt Nam, một số nhà máy cũng thông báo điều chỉnh giảm giá thu mua phế liệu nội từ 200.000 - 300.000 đồng/tấn trong ngày 20 và 21/6. Giá thép phế loại 1 sau khi điều chỉnh giảm ở khu vực phía Bắc hiện đang phổ biến từ 10.800 – 10.900 đồng/kg.

21-6-5

Tương tự, giá phôi thép thế giới cũng đồng loạt giảm tại các thị trường. Trong đó đáng chú ý giá phôi thép tại khu vực Đường Sơn của Trung Quốc giảm mạnh, giá phôi xuất xưởng của các nhà máy tại khu vực này ngày 20/6 đã xuống mức 3.840 NDT/tấn, giảm 14,1% so với đầu tuần trước (ngày 13/6), đây là mức giá thấp nhất trong vòng 1 năm gần đây. Thị trường phôi thép Trung Quốc quay đầu giảm mạnh từ tuần trước cho tới nay được cho là do thời tiết bất lợi, mưa kéo dài và dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở một số khu vực, hoạt động xây dựng và sản xuất của nhiều khu vực bị đình trệ khiến nhu cầu của thị trường suy yếu.

21-6-6 Nguồn: Platts

Giá chào phôi trung tần xuất xưởng tại Việt Nam hiện nay cũng phổ biến quanh mức 14 triệu đồng/tấn, giảm từ 300.000 - 400.000 đồng/tấn so với giá chào cuối tuần trước.

21-6-7

Nhìn chung, thị trường thép đang rất khó khăn, áp lực gia tăng với các nhà sản xuất. Theo Báo cáo tình hình kinh tế thế giới và triển vọng tính đến giữa năm 2022 của Liên Hợp Quốc phát hành vào tháng 6/2022 và theo Trung tâm thông tin giám sát tài chính Quốc gia (Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia), nền kinh tế toàn cầu có thể đang trên đỉnh của một cuộc khủng hoảng mới, trong khi vẫn đang phục hồi sau đại dịch Covid-19. Cuộc chiến ở Ukraine đã làm cản trở sự phục hồi mong manh của toàn cầu, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tàn khốc ở châu Âu, đẩy giá lương thực và hàng hóa lên cao, tăng trưởng chậm lại và làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát trên toàn thế giới... Trong bối cảnh đó, nền kinh tế thế giới hiện được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 3,1% vào năm 2022 và 2023 (điều chỉnh giảm đáng kể lần lượt là 0,9 và 0,4 điểm % so với dự báo đưa ra tháng 1/2022)

Thanh Hương