Thị trường thép xây dựng nội địa điều chỉnh giá lần thứ 3 trong tháng 8
Tròn một tuần kể từ đợt giảm giá thép xây dựng lần thứ 2 của tháng 8, ngày 15/8 thị trường tiếp tục chứng kiến đợt giảm giá lần thứ 3 trong tháng và cũng là lần giảm giá thứ 16 liên tiếp của thị trường thép xây dựng nội địa kể từ đầu năm 2022 cho tới nay.
15/08/2022 16:35
Thị trường thép xây dựng nội địa, ngày 15/8, giá bán thép xây dựng nội địa tiếp tục được các nhà sản xuất điều chỉnh giảm lần thứ 3 trong tháng 8 với mức giảm đồng loạt cho cả thép cây và thép cuộn là 300.000 đồng/tấn. Đồng thời phần lớn các doanh nghiệp thép thực hiện bảo lãnh cho hàng dân dụng đã bán ra một tuần trước đó và thông báo tiếp tục bảo lãnh hàng bán vào thị trường dân dụng. Điều này cho thấy xu hướng dò đáy vẫn có khả năng tiếp tục.
Tổng mức giảm của tháng 8 sau 3 đợt là 800.000 đồng/tấn. Giá bán bình quân thép xây dựng nội địa tháng 8 (tính tới ngày 15/8) giảm khoảng 6,7% so với giá bình quân tháng 7/2022. Với tỷ lệ giảm như vậy, giá bán thép xây dựng tại thị trường nội địa đang có tốc độ giảm sâu hơn so với thị trường thế giới, đơn cử như giá bình quân tháng 8 (tính tới ngày 15/8) của thép cây nhập khẩu vào khu vực Đông Nam Á ở mức 594 USD/tấn CFR giảm 4% so với giá bình quân tháng 7/2022, thép cây xuất khẩu của Trung Quốc giảm 3,8%, thậm chí giá thép cây tại thị trường nội địa Trung Quốc lại tăng 3,3%, thép cây kỳ hạn 3 tháng tại sàn Thượng Hải tăng 2,5%.
Giá giảm sâu tại thị trường nội địa Việt Nam cho thấy ngoài diễn biến giảm giá của các nguyên liệu đầu vào như phôi thép, thép phế, giá còn chịu ảnh hưởng nặng nề của nhu cầu thị trường giảm, sức tiêu thụ thép yếu. Thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều nên ảnh hưởng tới tốc độ thi công của các công trình xây dựng, ngoài ra thị trường dân dụng cũng giảm đáng kể do đang là tháng 7 âm lịch nên ít công trình được khởi công xây dựng mới trong tháng này.
Thị trường phôi thép nội địa trong nửa đầu tháng 8/2022 biến động giá không giảm sâu như thị trường thép xây dựng. Khoảng cách giữa giá thép xây dựng và phôi thép nội địa còn xa nên chưa tăng thêm áp lực giảm giá cho phôi thép; cùng với đó giá phôi thép trên thị trường thế giới tuần vừa rồi cũng có diễn biến tăng giá do tác động từ giá phế liệu tăng.
Tham khảo giá chào phôi thép trung tần ngày 15/8/2022 cho thấy giá chào vẫn phổ biến quanh mức 11,8 – 11,9 triệu đồng/tấn, đây là giá xuất xưởng tại bên bán, chưa bao gồm phí vận chuyển và thuế VAT. Thị trường phôi nội địa ảm đạm, ít giao dịch.
Thị trường thép phế nội địa hiện nay vẫn duy trì trạng thái giằng co về xu hướng điều chỉnh giá. Trong khi một số doanh nghiệp tại khu vực phía Bắc thông báo tăng giá thu mua thép phế từ 500.000 – 600.000 đồng/tấn tuần vừa rồi, thì khu vực phía Nam giá vẫn đang tiếp tục đi ngang, chưa ghi nhận điều chỉnh mới. Còn thị trường thế giới tuần vừa rồi ghi nhận diễn biến phục hồi giá thép phế tại hầu hết các khu vực thị trường.
Xu hướng trái chiều giữa việc giảm giá thép xây dựng tại thị trường nội địa và tăng giá phôi thép, thép phế thế giới càng tạo thế giằng co về xu hướng điều chỉnh của giá thép phế nội địa. Nhiều nhà sản xuất cho rằng giá thép phế nội địa sẽ phải nhích nhẹ do nguồn cung trong nước hạn chế, thiếu phế cục bộ vẫn diễn ra tại nhiều khu vực.
Thị trường nội địa kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ thép của nền kinh tế sẽ cải thiện khi sang tháng 9/2022, đồng thời xu hướng phục hồi giá từ thị trường thép Trung Quốc sẽ được duy trì và tác động tích cực tới thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam. Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện các chính sách hỗ trợ thị trường, thặng dư thương mại tháng 7/2022 của quốc gia này đạt kỷ lục mới 101,26 tỷ USD (năm 2021 chỉ gần 56 tỷ USD), vượt xa mức dự báo chỉ 90 tỷ USD; Xuất khẩu tăng 18% yoy – cao nhất trong 6 tháng qua, chủ yếu sang Mỹ, ASEAN và châu Âu; Nhập khẩu tăng 2,3% (tháng 6 +1%). Nhập khẩu từ Nga tăng gần 50% với giá trị khoảng 10 tỷ USD (tháng 5 nhập nhiều nhất 10,25 tỷ USD).
Trần Hương