Thép Việt trong vòng xoáy kiện tụng toàn cầu
08/08/2018 16:24
Nếu như Việt Nam mới áp thuế tự vệ đối với sản phẩm tôn mạ màu, phôi thép và thép dài nhập khẩu theo hai quyết định áp thuế riêng rẽ trong năm 2016 thì ngược lại, nước ta đã và đang phải “chống đỡ” liên tục tám vụ kiện ở quy mô lớn do nhiều nước như Mỹ, Canada, Úc, EU, Indonesia... khởi xướng.
Tình thế không tương xứng
Ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), nói tại một cuộc hội thảo mới đây về phòng vệ thương mại rằng trong số 78 vụ kiện về chống bán phá giá hai năm gần đây mà Việt Nam phải đối mặt, có tới 37 vụ liên quan tới ngành thép. Nếu tính trên các vụ kiện chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp thì số vụ liên quan đến ngành thép còn cao hơn.
Chưa có một sự giải thích chính thức nào cho câu hỏi: tại sao ngành thép chiếm một nửa số vụ kiện về chống bán phá giá chứ không phải ngành nào khác? Theo ý kiến của nhiều chuyên gia về phòng vệ thương mại, nguyên nhân ngành thép bị kiện nhiều nhất là do ngành này được coi là mặt hàng “bánh mì” trong nền sản xuất công nghiệp vì tính thiết yếu, giá trị cũng như khả năng tác động lớn của nó đến công nghiệp toàn cầu. Mặt khác, Trung Quốc là nhà sản xuất thép số 1 thế giới và độ lan tỏa về sản xuất của Trung Quốc tới nhiều nước (qua xuất khẩu trực tiếp hay đặt nhà máy, xuất khẩu công nghệ, nguyên vật liệu...) ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất, lao động... tại các nước sở tại.
Trong ba tháng qua, liên tiếp các vụ kiện từ Mỹ có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến ngành sản xuất thép trong nước. Ngày 21-5, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành quyết định cuối cùng về việc điều tra, chống bán phá giá đối với tôn mạ và thép cán nguội Việt Nam có nguồn gốc từ thép cuộn cán nóng Trung Quốc (HRC) với các mức thuế bị áp rất nặng (thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ là 199,6%, thép cuộn cán nguội 199,3%). Trung tuần tháng 6, một số doanh nghiệp sản xuất thép ở Mỹ nộp đơn tới DOC yêu cầu điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội từ Việt Nam xuất phát từ nghi ngờ có lẩn tránh nguồn gốc từ Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Sắp tới, DOC sẽ quyết định có khởi xướng điều tra việc này hay không. Trước đó nữa, DOC đã ra quyết định cuối cùng về việc áp thuế nhập khẩu thép từ các quốc gia trên thế giới vào thị trường Mỹ với mức 25% (trừ Hàn Quốc). Việt Nam đã xin miễn trừ nhưng chưa có kết quả.
Mới đây nhất, Liên minh châu Âu (EU) đã ra quyết định tạm thời áp thuế tự vệ thép nhập khẩu theo hình thức hạn ngạch đối với thép từ 10 quốc gia, trong đó có Việt Nam, gồm các mặt hàng: thép tấm cán nguội hợp kim, không hợp kim (nhôm); thép tấm mạ hợp kim, thép tấm và dải không gỉ nếu vượt hạn ngạch xuất vào Mỹ. Trước đó là các quyết định áp thuế từ Canada đối với tôn mạ màu nhập từ Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia.
Trong khi ở chiều ngược lại, Bộ Công Thương mới ra hai quyết định áp thuế tự vệ như đã nói trên và chuẩn bị hồ sơ khởi xướng điều tra chống bán phá giá một vụ việc khác liên quan đến tôn mạ có nguồn gốc nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mới đây, đại diện Vụ Tuân thủ và thực thi (DOC) cho biết số lượng các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp khởi xướng bởi DOC đã tăng đều đặn trong ba năm qua, với 110 vụ. Lũy tiến đến tháng 5-2018, DOC đã có hơn 400 lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp có hiệu lực. Trong số này, có 10 lệnh liên quan đến hàng hóa của Việt Nam, chủ yếu là thép.
Nhiều cách đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại
Tuy ngành thép Việt Nam một năm xuất khẩu chưa tới 10% sản lượng sản xuất và trong số này, chỉ có 15% đến Mỹ hay 10% đến EU nhưng không thể xem các vụ kiện phòng vệ thương mại là chuyện nhỏ. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Mỹ và EU vẫn là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam nói chung. Việc lơ là từng vụ việc có thể kéo theo những ảnh hưởng dây chuyền rất lớn trong tương lai.
Ví dụ, trong vụ Canada khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép cán nguội từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam, có hai nhà sản xuất tại Việt Nam là bị đơn (Posco và CSVC). Theo quy trình xử lý, hai công ty này phải trả lời bảng câu hỏi của cơ quan điều tra Canada nhưng họ đã từ chối, dẫn đến việc cơ quan điều tra Canada sẽ xác định rằng Việt Nam có bán phá giá mặt hàng này khi ban hành kết luận sơ bộ vụ việc dự kiến vào tháng 9 tới.
Nhiều nhà xuất khẩu chọn các cách đi mang tính mở đường hơn. Ví dụ, hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra nước khởi kiện - trả lời các bảng câu hỏi - nhằm minh bạch thông tin để có được mức thuế hợp lý nhất. Quyết định của các nước khởi kiện dựa trên phân tích chuyên sâu và hồ sơ vụ việc (hệ thống nộp hồ sơ điện tử) và hệ thống ban hành lệnh bảo hộ hành chính (như ở Mỹ). Những dữ liệu sẵn có này sẽ không có lợi cho doanh nghiệp nếu từ chối hoặc tham gia vụ việc cho có.
Cách khác là chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chẳng hạn, chứng minh thép nền để sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh không có nguồn gốc từ Trung Quốc (nếu là vụ kiện chống lẩn tránh thuế) hay không được trợ cấp, không phá giá. Trong trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu không có tên trong danh sách các bị đơn bắt buộc thì họ cũng hoàn toàn có thể tham gia vụ kiện với tư cách bị đơn tự nguyện nhằm được hưởng một mức thuế riêng rẽ.
Đã có trường hợp doanh nghiệp chưa hề xuất khẩu nhưng vì tính toán cho tương lai đã theo đuổi rất kỹ vụ kiện để hàng năm yêu cầu cơ quan ra quyết định chống bán phá giá rà soát vụ việc nhằm có mức thuế tốt nhất khi gia nhập thị trường.