Thép Việt "tính kế" ứng phó với thương chiến Mỹ - Trung

Thương chiến Mỹ - Trung ảnh đến nhiều Quốc gia, nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Thép Việt Nam không phải là ngoại lệ. Do đó, các doanh nghiệp thép Việt cần có biện pháp để ứng phó với cuộc chiến này.

26/08/2019 08:12

Thương chiến Mỹ - Trung ảnh đến nhiều Quốc gia, nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Thép Việt Nam không phải là ngoại lệ. Do đó, các doanh nghiệp thép Việt cần có biện pháp để ứng phó với cuộc chiến này.

Ngành thép Việt ảnh hưởng từ "bão" thương chiến

Leo thang căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc trong thời gian qua đã khiến cho đồng USD ở mức cao, trong khi đồng Nhân dân tệ (NDT) lại giảm mạnh. Các chuyên gia trong ngành thép dự báo, cuộc chiến này sẽ có tác động và ảnh hưởng nhất định tới các ngành sản xuất trong nước.

Cụ thể, đang trong quá trình hội nhập, nền kinh tế Việt có độ mở tương đối lớn lớn, lại phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, trong đó, Trung Quốc và Mỹ là 2 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Do đó, khi cuộc chiến giữa 2 cường quốc lớn nhất nhì thế giới xảy ra xung đột sẽ ảnh hưởng nhiều tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ bị hạn chế dẫn tới dư thừa và có thể tràn sang thị trường Việt Nam, gây sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Mặt khác, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn, bởi Trung Quốc phải tập trung tiêu thụ hàng hóa nội địa.

Ngoài ra, nhiều người quan ngại về khả năng Trung Quốc lắp ráp sản phẩm và dán nhãn “Made in Việt Nam” để tránh thuế của Mỹ. Nếu Việt Nam không kiểm soát chặt chẽ vấn đề này thì rất có thể, Mỹ sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt tương tự như đối với Trung Quốc.

Với ngành thép, theo Hiệp hội thép Việt Nam, mặc dù thời gian qua, ngành thép Việt Nam đã có nhiều chuyển biến về chất và lượng với mức tăng trưởng khá nhanh. Song hàng năm, ngành này vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn thép thành phẩm và bán thành phẩm từ Trung Quốc, chiếm hơn 50% trong tổng lượng thép nhập khẩu.


Thép Việt bị ảnh hưởng không nhỏ từ thương chiến Mỹ - Trung

Phân tích về những tác động của thương chiến Mỹ-Trung tới ngành thép Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia trong lĩnh vực thép cho biết, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng đến kinh tế của toàn thế giới, với Việt Nam đương nhiên cũng bị ảnh hưởng.

Với ngành thép, hiện tại, ảnh hưởng trực tiếp chưa nhiều nhưng về lâu dài, khi cuộc chiến này vẫn diễn biến căng thẳng thì nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc - nước chiếm tới 50% sản lượng thép của thế giới sẽ giảm đi đáng kể. Như vậy sức ép về xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ gia tăng.

"Về những tác động tích cực, việc giảm giá đồng NDT sẽ giúp giảm giá thép thành phẩm của Trung Quốc, tăng lợi thế cạnh tranh về giá. Ở chiều ngược lại, khi đồng NDT giảm sâu, rất có thể sẽ khiến các sản phẩm thép Trung Quốc giá rẻ như: thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, các loại tôn... nhập vào Việt Nam ồ ạt hơn, ảnh hưởng đến thị trường trong nước.

Điều này sẽ tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ với thép Việt Nam, gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm của ngành thép trong nước. Đồng thời, một phần nào đó sẽ "đội lốt" hàng Việt để lẩn tránh thuế, xuất khẩu sang các nước thứ ba", ông Sưa phân tích.

Thép Việt "tính kế" ứng phó

Cũng theo ông Nguyễn Văn Sưa, trong hình hình hiện nay, biện pháp căn cơ nhất để ứng phó với thép Trung Quốc tràn vào vẫn là các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, phát triển được thị trường xuất khẩu, trong đó, tiêu chí cạnh tranh nhất phải là giá cả.


Nhiều biện pháp được đưa ra để ứng phó với thép Trung Quốc

Các chi phí đầu vào sản xuất, hợp lý hóa sản xuất để tăng cạnh tranh bằng giá, trong khi chất lượng vẫn phải đảm bảo.

"Các doanh nghiệp thép Việt Nam cũng phải ý thức để bảo vệ thị trường của mình bằng cách nâng cao hiểu biết về luật lệ của các nước nhập khẩu thép của mình để tránh các vụ phòng vệ thương mại, từ đó có điều kiện cạnh tranh tốt nhất với thép Trung Quốc.

Cùng với đó, phải biết bảo vệ thị trường trong nước bằng cách sử dụng các công cụ thuế quan cũng như phi thuế quan, tức là các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như các biện pháp về hàng rào kỹ thuật. Về phía cơ quan Nhà nước cũng cần có sự tính toán để can thiệp thị trường, ổn định tỷ giá trong thời gian tới", ông Nguyễn Văn Sưa cho hay.