Thép Việt thử sức với thị trường châu Âu
14/08/2020 09:25
Mặt hàng thép của Việt Nam đang có nguy cơ thu hẹp thị trường xuất khẩu do đối mặt với hàng loạt vụ điều tra phòng vệ thương mại và áp thuế chống bán phá giá. Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất thép đang nỗ lực cải tiến chất lượng sản phẩm nhằm xoay trục, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu (EU).
Bắt đầu chuyển hướng
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ đầu năm đến nay, sản xuất thép các loại đạt hơn 11,6 triệu tấn, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2019. Việc bán hàng của DN thép cũng gặp không ít khó khăn do thị trường bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Theo đó, sản lượng thép bán ra các loại chỉ đạt 10,4 triệu tấn, giảm 10,7% so với cùng kỳ. Trong đó sản lượng xuất khẩu thép các loại đạt hơn 1,8 triệu tấn, giảm 24,6% so với cùng kỳ. Tính riêng trong tháng 6, Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài hơn 300.000 tấn thép, với kim ngạch đạt gần 250 triệu USD, tăng 14,5% so với tháng trước nhưng giảm 21,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là con số không mấy khả quan với DN trong ngành thép.
Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, VSA cho biết, hiện xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á chiếm 54,75% tổng lượng xuất khẩu và 57,8% kim ngạch. Thị trường các nước châu Âu mới chỉ đạt 4,15%. Với những con số kể trên, có thể thấy, thị trường châu Âu chiếm rất ít trong tỷ trọng xuất khẩu sắt thép của Việt Nam. Đến nay, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được hai bên thông qua với những điều khoản có lợi cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có thép khi được hưởng thuế suất về 0% theo cam kết của EVFTA.
Ông Đoàn Danh Tuấn, Chủ tịch HĐTV kiêm TGĐ Công ty TNHH Thương mại thép Toàn Thắng chia sẻ, trước giờ công ty vẫn chưa có hoạt động xuất khẩu sang thị trường EU. Thế nhưng, với những lợi thế mà EVFTA mang lại, công ty đã có những chiến lược tấn công thị trường này trong thời gian tới. “Chúng tôi đã nghiên cứu thị trường EU và nhận thấy có thể xuất các mặt hàng thép cắt, xẻ theo kích thước yêu cầu của các đối tác tại thị trường này”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo các chuyên gia, một lợi thế nữa cho sản phẩm tôn, thép của Việt Nam là giữa EU và nước ta có các mặt hàng xuất khẩu mang tính bổ sung cho nhau, không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Do đó, với những lợi thế mà EVFTA mang lại, cơ hội để ngành thép Việt xuất khẩu sang thị trường châu Âu là rất lớn.
Minh bạch nguyên liệu nhập khẩu
Đại diện Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cho biết, cuối tháng 5 và nửa đầu tháng 6, Hoa Sen đã hoàn tất xuất khẩu lô hàng 35.000 tấn tôn mạ đi châu Âu. Đến thời điểm hiện tại, đây là lô hàng tôn lớn nhất của Tập đoàn Hoa Sen và của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu - đánh dấu một mốc son trong hoạt động xuất khẩu tôn mạ của các DN Việt Nam trong việc chủ động khai thác các điều kiện thuận lợi từ EVFTA. Tuy nhiên, để có thể đưa được hàng vào thị trường này, tập đoàn đã xây dựng chiến lược đầu tư dài hơi cho hoạt động nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật để nâng chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, nâng cấp hoạt động sản xuất cung ứng, để giao hàng nhanh, đúng hạn đối với khách hàng tại châu Âu. Cũng như Tập đoàn Hoa Sen, nhiều DN thép như Toàn Thắng, Công ty CP Tôn Đông Á, Thép Nam Kim… đang nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ để đáp ứng được tiêu chuẩn ISO 9001.2015. Đây là tiêu chuẩn cơ sở để mặt hàng thép Việt Nam xuất khẩu qua châu Âu bền vững.
Tuy nhiên, kèm theo đó là những thách thức không hề nhỏ. Trong những năm qua, ngành thép đã hứng chịu nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại từ Mỹ và các nước ASEAN. Phải kể đến, tháng 12-2019, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành lệnh áp thuế lên tới 456% với một số sản phẩm thép cụ thể từ Việt Nam, sử dụng nguyên liệu có xuất xứ từ Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan. Hay mới nhất, Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) thông báo khởi xướng điều tra 2 vụ về chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm thép mạ hợp kim nhôm kẽm có xuất xứ từ Việt Nam.
Nhìn chung, các vụ kiện này đã khiến ngành thép tổn thất khá nhiều, bằng chứng là thị phần xuất khẩu của thép Việt tại các thị trường nói trên ngày một giảm. “Trong xu hướng phòng vệ thương mại tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, DN phải tuyệt đối tuân thủ những quy định minh bạch về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải cải tiến công nghệ kỹ thuật, đáp ứng đúng tiêu chuẩn của họ” ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, chia sẻ
Theo ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó chủ tịch VSA, để đảm bảo minh bạch nguồn gốc xuất xứ, hiệp hội thép đã có khuyến cáo đến các DN thành viên. Hội đã chủ động làm việc với Bộ Công thương, tham tán thương mại để nghiên cứu nhu cầu thị trường xuất khẩu nói chung và châu Âu nói riêng. Trong nước, các DN đã tăng cường đầu tư sản xuất nguyên liệu nhằm tận dụng tối đa thuế suất ưu đãi dành cho sản phẩm có xuất xứ thuần túy Việt Nam. Với những nguyên liệu nhập khẩu, các DN đang tìm kiếm nguồn cung từ các nước đã ký FTA với EU hoặc thành viên của EVFTA. Nguồn nguyên liệu này có giá thành cao hơn so với nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng ổn định cho DN thép.