Tạm biệt “Made in China”

Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn khi nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ thấp nhất kể từ năm 1990. Cung tăng cầu giảm đang làm đau đầu các nhà sản xuất nước này. Liệu Trung Quốc, vốn nổi tiếng với thương hiệu “Made in China”, có biện pháp gì cho vấn đề này?

09/01/2015 17:42

Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn khi nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ thấp nhất kể từ năm 1990. Cung tăng cầu giảm đang làm đau đầu các nhà sản xuất nước này. Liệu Trung Quốc, vốn nổi tiếng với thương hiệu “Made in China”, có biện pháp gì cho vấn đề này?

Thời điểm hiện tại không phải là thời điểm tốt đối với các công ty quốc doanh sản xuất thép Trung Quốc khi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, những chỉ trích và sự phản đối của người dân đối với khí thải từ các nhà máy. Trong ngắn hạn, mô hình kinh doanh vốn đem lại lợi nhuận của ngành này đang dần suy giảm. Vậy các công ty thép của Trung Quốc cần làm gì để thay đổi điều đó?

Một lựa chọn phổ biến đáng ngạc nhiên hiện nay là rời bỏ Trung Quốc. Trong tháng 10/2014, công ty Hebei Iron & Steel Co Ltd, công ty quốc doanh có sản lượng lớn nhất Trung Quốc đã tuyên bố sẽ chuyển sản xuất 5 triệu tấn thép, tương đương 11% trong tổng số 45 triệu tấn của công ty, sang Nam Phi. Theo tuyên bố của hãng thì đây sẽ chỉ là điểm khởi đầu. Dự kiến đến năm 2023, công ty thép tại tỉnh Hà Bắc, tỉnh bị ô nhiễm nhất Trung Quốc, sẽ di chuyển sản xuất khoảng 20 triệu tấn thép, 30 triệu tấn xi măng và 10 triệu hộp thủy tinh ra nước ngoài.

Nếu phân tích kỹ, việc di chuyển sản xuất do thị trường dư thừa nguồn cung là một lý do không hợp lý. Theo khảo sát của Bloomberg, sản lượng sản xuất thép của nhà máy Hebei Iron & Steel tại Nam Phi tương đương với 3/4 tổng sản lượng thép của cả quốc gia đó trong năm ngoái và tương đương 1/3 tổng sản lượng của toàn Châu Phi. Nói cách khác, nhu cầu thị trường tại đây không hề đáp ứng đủ cho khả năng sản xuất của tập đoàn thép Trung Quốc khổng lồ này. Vậy tại sao công ty này lại có động thái như vậy?

Các lãnh đạo của tỉnh Hà Bắc, những người giám sát hoạt động của công ty thép, không có lựa chọn khác. Đầu tiên, các quan chức này phải đối mặt với các áp lực chính trị trong việc giảm tác động đến môi trường tại Trung Quốc, điều này có nghĩa là giảm tất cả những ngành công nghiệp ô nhiễm bao gồm sản xuất thép, xi măng, thủy tinh, vốn đặc biệt nghiêm trọng tại các nước đang phát triển và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách môi trường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (và như vậy các quan chức tỉnh Hà Bắc sẽ được ưu ái từ chính quyền Bắc Kinh).

Thứ 2, các quan chức tỉnh Hà Bắc không thể định hướng được bước đi tiếp theo cho doanh nghiệp khi công ty này đã trở nên quá to lớn và cồng kềnh. Ngành công nghiệp xây dựng tại Trung Quốc đang có lượng cung dồi dào nhưng nhu cầu thì lại quá ít. Trong tháng 9/2014, Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) cho biết sản lượng sản xuất thép của Trung Quốc đã tăng 200 triệu tấn kể từ cuối năm 2012 lên mức 1,1 tỷ tấn, so với mức dự kiến trong năm nay là 750 tấn, và rất nhiều trong số thép đó không được sử dụng.

Lợi thế về giá thép rẻ tại Trung Quốc đã có tác động xấu ngược lại các công ty sản xuất tại quốc gia này. Giá của thép cây, một thành phần quan trọng trong xây dựng, tại Thượng Hại đã giảm 29% trong năm nay. Sự giảm giá này là do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990.

Vậy số thép sản xuất ra sẽ đi đâu trong khi nhu cầu nội địa yếu? Trong suốt 11 tháng của năm 2014, Trung Quốc đã xuất khẩu 86 triệu tấn thép, tương đương sản lượng sản xuất thép của Mỹ năm 2013, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, thị trường nước ngoài không phải là giải pháp lâu dài khi Mỹ và các nước nhập khẩu thép khác đang xây dựng thuế chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đối với một công ty tìm kiếm sự tăng trưởng lâu dài và trở thành một công cụ đầu tư cho các nhà đầu tư thì chỉ còn duy nhất một lựa chọn là toàn cầu hóa. Thực tế là Trung Quốc đã có chính sách toàn cầu hóa từ những năm 90, khi các công ty được khuyến khích thành lập các chi nhánh tại nước ngoài để tinh chế nguyên nhiên liệu thô hoặc để sản xuất. Tuy nhiên, khác với trước đây, hiện nay khi toàn cầu hóa đã trở thành một mục tiêu dài hạn hiệu quả, chiến lược toàn cầu hóa đã trở thành điều cấp bách.

Ngày 24/12, Quốc hội Trung Quốc đã tuyên bố rằng nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa đối với các công ty Trung Quốc với sự giúp đỡ tài chính của chính phủ. Theo công bố của Quốc hội Trung Quốc, vấn đề này có 2 ưu điểm. Đầu tiên, Trung Quốc quan tâm đến việc các công ty hàng đầu của họ có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế, và vì vậy nước này khuyến khích các công ty di chuyển ra nước ngoài. Thứ hai, việc mở rộng ra nước ngoài là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn đạt được lợi nhuận tốt hơn, dưới dạng ảnh hưởng chính trị và kinh tế, dựa trên lượng dự trữ ngoại hối dồi dào của mình. Mặc dù truyên bố của Hebei Iron & Steel được đưa ra trước tuyên bố của Quốc hội nhưng rõ ràng là công ty này sẽ được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp như đã cam kết của chính phủ.

Liệu động thái này có thành công? Trong ngắn hạn thì việc tăng lượng cung thép không cần thiết của Hebei vào thị trường Nam Phi có khả năng sẽ tạo ra một phiên bản khác nhỏ hơn của thị trường vốn đã bão hòa tại Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng giống như việc xuất khẩu thép khi thị trường nội địa đã bão hòa, công ty Hebei Iron & Steel hy vọng nhà máy sản xuất thép mới tại Nam Phi sẽ đáp ứng được nhu cầu đang tăng của thị trường mới nổi tại Châu Phi này. Đây là một bước đi không chắc chắn nhưng khi Trung Quốc chưa đủ khả năng để tạo nên một môi trường tốt cho các công ty muốn đầu tư phát triển tại thị trường này thì đây lại là lựa chọn tốt nhất, và đây cũng có thể là biện pháp mà các công ty Trung Quốc khác sẽ sớm thực hiện theo.