Sản lượng xuất khẩu than luyện kim đường biển trên toàn cầu trong nửa đầu năm 2025 giảm do nhu cầu yếu và một số sự cố trong sản xuất

+ Xuất khẩu than của Úc giảm 2,5% do mưa lớn và sự cố sản xuất.

+ Mỹ ghi nhận mức sụt giảm 18%, đặc biệt sản lượng xuất sang Trung Quốc lao dốc tới 71%. 

+ Ngược lại, Mozambique đạt mức tăng trưởng mạnh nhất với sản lượng tăng 38%.

18/07/2025 15:37

Sản lượng xuất khẩu than luyện kim qua đường biển trên toàn cầu trong nửa đầu năm 2025 đã sụt giảm do các sự cố sản xuất và thời tiết bất lợi tại Úc, đồng thời chịu tác động từ nhu cầu suy yếu trên toàn thị trường thép, theo dữ liệu mới nhất của S&P Global Commodity Insights công bố ngày 15 tháng 7.

Trong nửa đầu năm 2025, sản lượng từ nhà xuất khẩu lớn nhất  là Úc đã giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2024, xuống còn 77 triệu tấn. Năm 2024, Úc xuất khẩu 161,9 triệu tấn, tăng 7,3% so với năm 2023.

Hoạt động khai thác tại các mỏ lộ thiên và tuyến đường sắt ở thung lũng Hunter và hành lang Blackwater bị ảnh hưởng bởi lượng mưa cao hơn trung bình. Ngoài ra, các sự cố an toàn tại hai mỏ Appin và Moranbah North cũng góp phần khiến sản lượng của Úc sụt giảm.

Tại cảng Hay Point – một trong những cảng xuất khẩu lớn của Úc – khối lượng xuất khẩu giảm 8,6%, chỉ đạt 41,2 triệu tấn. Ngược lại, cảng Gladstone và Abbot Point ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 2,7% và 33%, với tổng khối lượng đạt 23,1 triệu tấn và 9,2 triệu tấn.

Phần lớn lượng xuất khẩu của Úc được chuyển đến Ấn Độ, với tổng cộng 19,9 triệu tấn, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2024. Nhật Bản đứng thứ hai, với 13,6 triệu tấn, giảm 17%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 10,0 triệu tấn – tăng gấp đôi so với nửa đầu năm 2024 – nhờ sự phục hồi sản lượng thép tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Úc dự kiến sản lượng xuất khẩu sẽ phục hồi trong nửa cuối năm khi các vấn đề ảnh hưởng đến sản xuất dần được giải quyết.

Trong khi đó, xuất khẩu của Mỹ giảm 18% so với cùng kỳ, chỉ còn 21,7 triệu tấn trong nửa đầu năm, chủ yếu do dòng chảy thương mại sang châu Á bị thu hẹp và các bất ổn gia tăng do ảnh hưởng bởi các mức thuế trả đũa.

Theo Platts, chỉ số giá than mỡ chất lượng cao (PLV HCC) của Úc đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm, ở mức 166 USD/tấn FOB vào ngày 20 tháng 3. Lần gần nhất chỉ số này ở mức thấp hơn là vào ngày 3/6/2021. Tính đến thời điểm hiện tại của năm 2025, chỉ số này vẫn gặp khó khăn khi chưa thể vượt mốc 200 USD/tấn.

Mức giá bán thấp đã hạn chế dòng chảy thương mại từ Mỹ sang châu Á, đặc biệt khi chi phí vận chuyển từ Mỹ không cạnh tranh bằng so với các nước như Úc, Nga hoặc Canada khi giao hàng đến phần lớn khu vực Đông Á.

Đáng chú ý, sản lượng xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc đã giảm mạnh 71%, từ 4,2 triệu tấn trong nửa đầu năm 2024 xuống chỉ còn 1,2 triệu tấn, do nhu cầu đường biển của Trung Quốc suy giảm và ảnh hưởng từ làn sóng áp thuế trả đũa.

Phần lớn khối lượng xuất khẩu từ Mỹ tiếp tục đổ về Ấn Độ, đạt 5,1 triệu tấn – tương đương cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Brazil với 3,6 triệu tấn (giảm 2,7%) và Hà Lan với 2,7 triệu tấn (giảm 10%).

Xuất khẩu của Nga duy trì ổn định ở mức 20,5 triệu tấn trong nửa đầu năm 2025 – tương đương cùng kỳ năm 2024. Trong đó, khoảng 7,3 triệu tấn được xuất sang Trung Quốc – giảm 20%. Nhu cầu giao ngay đối với than Nga giảm do tồn kho tại Trung Quốc vẫn ở mức cao, khiến giá than LVPCI nhập khẩu về trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong 4,5 năm qua, ở mức 100 USD/tấn CFR vào ngày 1 tháng 7 theo ghi nhận của Platts.

Phần lớn than xuất khẩu từ Nga tiếp tục vận chuyển từ các cảng Viễn Đông, với tổng sản lượng đạt 13,8 triệu tấn. Trong số này, các cảng chính bao gồm Vanino (3,9 triệu tấn), Vostochny (3,1 triệu tấn) và Port Vera (3 triệu tấn).

Tại Canada, tổng sản lượng xuất khẩu trong nửa đầu năm 2025 tăng nhẹ 1,2%, đạt 17,1 triệu tấn. Trong đó, 5,3 triệu tấn được xuất sang Trung Quốc, 4,2 triệu tấn sang Nhật Bản và 2,4 triệu tấn sang Hàn Quốc.

Mozambique ghi nhận mức tăng trưởng theo tỷ lệ phần trăm cao nhất trong tất cả các nước xuất khẩu, với sản lượng tăng 38% đạt 9,0 triệu tấn trong nửa đầu năm. Trong đó, xuất khẩu đến Ấn Độ đạt 2,8 triệu tấn, Trung Quốc 2,5 triệu tấn và Việt Nam 2,1 triệu tấn.

Sản lượng xuất khẩu từ Mozambique được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, khi Ấn Độ đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn cung. Mozambique cũng có vị trí địa lý thuận lợi hơn khi so sánh với Canada hoặc Mỹ, theo một số nguồn tin trong ngành.

T.L