Quy chuẩn quốc gia về phế liệu nhập khẩu: Rà soát bất cập trước khi có hiệu lực

Tổng cục Hải quan sẽ rà soát vấn đề khó khăn dự kiến phát sinh khi thực hiện hai Thông tư 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư 09/2018/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu sắt, thép, nhựa, giấy, thủy tinh, kim loại màu và xỉ hạt nhỏ; tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính để có văn bản trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi hai văn bản trên đi vào thực thi.

18/10/2018 11:20

Tổng cục Hải quan sẽ rà soát vấn đề khó khăn dự kiến phát sinh khi thực hiện hai Thông tư 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư 09/2018/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu sắt, thép, nhựa, giấy, thủy tinh, kim loại màu và xỉ hạt nhỏ; tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính để có văn bản trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi hai văn bản trên đi vào thực thi.

Từ ngày 29/10/2018, một loạt mặt hàng phế liệu NK như: Sắt, thép, nhựa, giấy, thủy tinh, kim loại màu (đồng, nhôm, niken, kẽm, thiếc, vonfram, molyden, magie, titan, zircon, antimony, mangan, crom) và xỉ hạt nhỏ sẽ có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để thực hiện các thủ tục NK. Như vậy sẽ chấm dứt một thời gian dài rất nhiều mặt hàng phế liệu có trong Danh mục phế liệu được phép NK từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất theo Quyết định 73/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng đã không có quy chuẩn để thực hiện (trước đó, chỉ có các mặt hàng: Nhựa, giấy, sắt, thép có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường).

Dù chưa chính thức thực hiện hai thông tư trên, tuy nhiên, qua nghiên cứu thực hiện, tại hội nghị giao ban công tác quý 3 của Tổng cục Hải quan tổ chức mới đây, ông Âu Anh Tuấn, quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho rằng nội dung hai thông tư có một số vướng mắc.

Cụ thể, hai Thông tư 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư 09/2018/TT-BTNMT bãi bỏ Điều 10 Thông tư 41/2015/TT-BTNMT liên quan đến hồ sơ khi làm thủ tục hải quan. Theo quy định mới DN không phải nộp cho cơ quan Hải quan một loạt chứng từ như: Bản giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong NK phế liệu; văn bản thông báo về lô hàng NK; giấy xác nhận ký quỹ bảo đảm phế liệu NK do Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc ngân hàng thương mại nơi tổ chức, cá nhân ký quỹ bảo đảm phế liệu NK cấp; Văn bản chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với lô hàng phế liệu NK của tổ chức chứng nhận phù hợp có tên trong danh sách đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định.

Tuy nhiên nếu thực hiện theo Thông tư 08/2018/TT-BTNMT, 09/2018/TT-BTNMT gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tại Chỉ thị 27/CT-TTg yêu cầu Bộ Tài chính: Chỉ đạo Tổng cục Hải quan áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng phế liệu NK không đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam; hướng dẫn các hãng tàu/đại lý hãng tàu khi khai thông tin e-Manifest trước khi tàu cập cảng phải khai đầy đủ thông tin cụ thể về chủ hàng tại Việt Nam đối với phế liệu NK (tên doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ, số của Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất...), mô tả hàng hóa phải thể hiện đầy đủ để xác định được loại phế liệu thuộc Danh mục phế liệu được phép NK từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; chỉ đạo cơ quan Hải quan thông báo cho hãng tàu/đại lý hãng tàu vận chuyển, doanh nghiệp kinh doanh cảng, cơ quan quản lý cảng không cho phép dỡ hàng là phế liệu từ tàu xuống cảng đối với chủ hàng không có trong Danh sách tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực, hạn ngạch NK và chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu NK theo quy định của pháp luật.

Theo ông Âu Anh Tuấn, thực hiện Chỉ thị 27/CT-TTg, cơ quan Hải quan phải kiểm tra Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong NK phế liệu; hạn ngạch NK còn; DN phải ký quỹ mới cho phép dỡ lô hàng xuống cảng. Vì vậy trong trường hợp cơ quan Hải quan không có chứng từ này rất khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, trong Thông tư cũng quy định cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu đối với phế liệu NK là Sở Tài nguyên và Môi trường. Tổ chức giám định được chỉ định là tổ chức đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giám định theo quy định và thuộc danh sách các tổ chức giám định được chỉ định thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trước đây, theo Thông tư 41/2015/TT-BTNMT, tổ chức chứng nhận sự phù hợp sẽ ban hành thông báo phế liệu đạt tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, trên cơ sở đó cơ quan Hải quan sẽ thực hiện việc thông quan.

Với quy định mới thực hiện theo Luật Chất lượng sản phẩn hàng hóa và Nghị định 74/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số Điều Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa) thì sau khi có kết quả kiểm tra của các tổ chức chứng nhận sự phù hợp thì sẽ gửi về các Sở Tài nguyên và Môi trường nơi DN có cơ sở sản xuất, trên cơ sở đó sẽ ban hành thông báo về phế liệu NK đạt tiêu chuẩn quy chuẩn về kỹ thuật quốc gia làm cơ sở cho việc thông quan.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng quy định Sở Tài nguyên môi trường nơi có các hoạt động theo dõi quản lý chủng loại phế liệu trong việc thực hiện các thủ tục liên quan đến kiểm tra dẫn đến khó khăn. “Theo Danh mục hàng hóa NK phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập (Quyết định 15/2017/QĐ-TTg) thì phế liệu NK phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập, nhưng cơ quan kiểm tra lại là Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố nơi có cơ sở xử lý phế liệu dẫn đến việc phối hợp trong kiểm tra khó khăn, kéo dài thời gian kiểm tra, ảnh hưởng việc thực hiện thủ tục hải quan của cơ quan Hải quan”-ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Âu Anh Tuấn, những vấn đề bất cập có thể phát sinh khi thực hiện Thông tư 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư 09/2018/TT-BTNMT đang được Cục Giám sát quản lý về hải quan, cục hải quan các tỉnh, thành phố rà soát, sau đó xin ý kiến lãnh đạo Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính có văn bản trao đổi với Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi hai văn bản trên đi vào thực thi.