Nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12 được dự báo giảm do các giải pháp cho mùa đông sắp tới và yêu cầu cắt giảm sản lượng.

Trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12 năm nay, nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc dự báo sẽ vẫn ở mức thấp do các biện pháp kiểm soát công nghiệp trước Thế vận hội mùa Đông cùng với yêu cầu cắt giảm sản lượng. (theo nguồn của ngành công nghiệp ngày 27/10)

29/10/2021 10:40

Theo Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc (CISA) lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc trong 4 tháng cuối năm được dự báo là 342,67 triệu tấn. Theo tính toán của Platts trên cơ sở số liệu của Hải quan Trung Quốc thì nhu cầu quặng giai đoạn tháng 9-12 bình quân là 85,67 triệu tấn/tháng, thấp hơn so với lượng nhập khẩu bình quân năm 2020 (97,5 triệu tấn/tháng). Cũng theo số liệu Hải quan, tổng lượng nhập khẩu quặng sắt và tinh quặng của Trung Quốc năm 2020 đạt 1,17 tỷ tấn, tăng 9,5% so với năm 2019.

CISA cho biết, trên cơ sở lượng nhập khẩu 8 tháng đầu năm là 746,454 triệu tấn và ước tính lượng của quý 4 thì tổng nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc vào năm 2021 được dự báo đạt 1,09 tỷ tấn, giảm 6,9% so với năm ngoái. Nguyên nhân sụt giảm tiêu thụ quặng trong giai đoạn 4 tháng cuối năm là do các biện pháp kiểm soát được thực hiện trước Thế vận hội mùa Đông và ngành thép phải cắt giảm sản lượng do nhu cầu về sưởi ấm trong mùa đông.

Về lâu dài, cũng theo CISA, hai biện pháp đồng thời là tiết kiệm năng lượng và kiểm soát khí thải ở Trung Quốc sẽ là những yếu tố chính ảnh hưởng đến sản lượng thép của Trung Quốc, do việc sản xuất và tiêu thụ năng lượng có mối liên quan trực tiếp với nhau. Vì vậy, chính sách ban đầu về cắt giảm khí thải sẽ dần dần được trở thành cắt giảm năng lượng và cắt giảm sản lượng thép, và cuối cùng sẽ tạo áp lực lên nhu cầu quặng sắt.

Tập trung vào phát triển trong nước

Khi Trung Quốc tiếp tục phát triển lĩnh vực năng lượng để hỗ trợ công cuộc hiện đại hóa, việc phát triển các nguồn quặng sắt trong nước và gia tăng sản lượng quặng sắt của địa phương sẽ được quan tâm hơn, điều này sẽ có thể giúp giảm sự phụ thuộc quá mức vào các nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Theo phát biểu của CISA vào tháng 7 năm nay, trong suốt giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-25), ngành thép của Trung Quốc phải tăng cường khả năng bảo vệ tài nguyên của mình bằng cách đẩy nhanh phát triển nguồn quặng sắt trong nước, nâng cao khả năng tự túc quặng sắt của đất nước.

Ngoài ra, Trung Quốc cần nhanh chóng xây dựng các dự án quặng sắt quy mô lớn ở Tây Phi và Tây Úc, tăng cổ phần tại các mỏ quặng sắt ở nước ngoài, và thúc đẩy nguồn thép phế liệu trong nước.

Một số dự án quặng sắt ở nước ngoài do Trung Quốc tài trợ cũng đã được xây dựng, như mỏ quặng sắt Tonkolili của Tập đoàn Sắt & Thép Sơn Đông ở trung tâm Sierra Leone ở Northern Province, Nam Phi.

Theo Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Trung Quốc đang nhắm đến mục tiêu năm 2025 sẽ đạt 20% lượng quặng sắt nhập khẩu từ các mỏ quặng sắt ở nước ngoài của mình.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, trên cơ sở nhu cầu tiêu thụ gang của Trung Quốc trong giai đoạn 2020-25 là 1,14 -1,3 tỷ tấn quặng sắt, cộng thêm khoảng 10 triệu tấn thép phế thu gom mỗi năm, thì trong những năm tới đây, dự báo lượng nhập khẩu quặng sắt hàng năm của Trung Quốc sẽ ở mức 900 triệu tấn đến 1,05 tỷ tấn.

Theo Pingan Securities, thép phế thu gom thường là nguồn thép phế liệu từ các lĩnh vực ô tô, xây dựng, máy móc và thiết bị. Việc sử dụng thép phế thay thế quặng sắt trong luyện thép cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến nhu cầu quặng sắt.

Theo Hiệp hội Ứng dụng Phế liệu Kim loại Trung Quốc (CAMU), vào cuối giai đoạn của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, thép phế liệu dự kiến ​​sẽ chiếm tỷ lệ 30% lượng nguyên liệu của công đoạn luyện thép Trung Quốc, cao hơn tỷ lệ bình quân 18,8% của Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2006-2020) và tỷ lệ bình quân 11,3%  của Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2001-2005). Dự kiến ​​tổng lượng thép phế thu gom được hàng năm của các nhà cung cấp thép phế Trung Quốc sẽ là 200 triệu tấn vào cuối năm 2025.