Nhiều doanh nghiệp sẽ sớm tự khắc dấu

Theo luật Doanh nghiệp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, doanh nghiệp (DN) có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng, nội dung con dấu và chỉ phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh.

28/11/2014 12:57

Theo luật Doanh nghiệp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, doanh nghiệp (DN) có quyền tự quyết định về hình thức, số lượng, nội dung con dấu và chỉ phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Các chuyên gia cho rằng một số lĩnh vực như thuế, ngân hàng chưa thể bỏ con dấu - Ảnh: Diệp Đức Minh
Quy định về con dấu tại luật Doanh nghiệp (DN - sửa đổi) được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong việc tháo gỡ rào cản, khó khăn cho DN do tình trạng lạm dụng, bắt buộc sử dụng con dấu trong tất cả các quan hệ của DN từ trước đến nay.

Thế nhưng, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân khẳng định thông tin bãi bỏ việc sử dụng con dấu là không chính xác. “Không phải bỏ hoàn toàn mà rõ ràng, luật quy định, con dấu do DN quyết định về số lượng, hình thù… cho phù hợp mới mong muốn, tiện lợi cho hoạt động”, ông Ngân nói.

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Công ty TNHH tư vấn VFARM - Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách của Hội Các nhà quản trị DN VN, cũng xác định “chỉ là sửa lại quy định về con dấu”. Ông giải thích: “Trước đây việc cấp, sử dụng con dấu của DN do Bộ Công an quy định.Nay theo luật DN sửa đổi thì mở ra, cho phép DN có quyền có con dấu tự quyết định con dấu, hình thức, nội dung.

Như vậy sẽ giúp DN đỡ phiền hà, tốn kém về chi phí, thời gian. Theo quy định mới, không phải tất cả văn bản của DN phải đóng dấu mà chỉ đóng dấu vào văn bản nào pháp luật quy định hoặc do đối tác yêu cầu phải có dấu”. Chẳng hạn, một loạt tài liệu sau này không còn cần dấu như sổ kế toán chỉ cần chữ ký của tổng giám đốc và kế toán trưởng hoặc biên bản họp hội đồng quản trị, các thành viên đã ký thì không cần con dấu.

“Có những quan hệ chưa thể bỏ hết”

Vì sao chưa thể bỏ hoàn toàn, không sử dụng con dấu, theo các chuyên gia kinh tế, do con dấu DN còn bị ràng buộc bởi nhiều quy định về giao dịch trong một số bộ luật. Nếu bỏ hoàn toàn sẽ phát sinh số lượng công việc rất lớn và có thể chưa đảm bảo chặt chẽ trong quản lý. Ngoài ra, có một số lượng không nhỏ DN cũng vẫn muốn dùng con dấu.

Về vấn đề này, luật gia Vũ Xuân Tiền cho biết: “Trước đây có nhiều tranh luận là có nên bỏ hẳn con dấu không nhưng nhiều người, trong đó có tôi, cũng cho rằng chưa thể bỏ hoàn toàn giai đoạn này vì có những quan hệ chưa thể bỏ hết, bỏ hẳn là loạn lên ngay như với quan hệ giao dịch với cơ quan thuế và ngân hàng. Một cái séc của DN mà không có con dấu thì ngân hàng không cho rút tiền”.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng ban phụ trách - Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.W) và là thành viên ban soạn thảo luật DN (sửa đổi), cũng đánh giá tuy chưa bỏ hoàn toàn được việc phải sử dụng con dấu nhưng riêng quy định mới tại luật này đã là một cải cách lớn, là một thay đổi về tư duy quản lý, khiến hoạt động DN thay đổi theo hướng tích cực hơn.

“Do liên quan đến nhiều điều luật khác, do thói quen nên con dấu DN chưa bỏ hoàn toàn. Nhưng việc thực thi quy định này dần dần sẽ đưa đến nhưng thói quen, nhận thức mới, cách tiếp cận mới về con dấu. Việc sử dụng con dấu sẽ còn tùy thuộc vào quá trình phát triển, khi các thủ tục, hoạt động giao dịch điện tử, online diễn ra ngày càng phổ biến thì dùng con dấu sẽ không còn ý nghĩa nữa. Ví dụ như khai thuế điện tử hiện nay đã không dùng con dấu”, ông Hiếu nói.

Xác định việc thay đổi cách sử dụng con dấu, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn con dấu không phải là việc một sớm một chiều, tuy nhiên ông Hiếu tin tưởng: “Có thể ngay trong năm đầu áp dụng, sẽ có ít nhất 70% DN tự khắc dấu, tự dùng con dấu”. Nghị định hướng dẫn sẽ sớm được ban hành, trong đó có hướng dẫn chi tiết về việc khắc dấu, đăng ký con dấu của DN để thực hiện ngay khi luật chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2015.

Theo Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng sẽ có những thủ tục hành chính cần DN đóng dấu. Xu hướng chung là DN tự khai, tự đóng dấu, tự chịu trách nhiệm. Vì vậy dùng dấu kiểu mới hay kiểu cũ thì như nhau cả thôi.

Nếu cơ quan đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan... có nghi ngờ tính xác thực của con dấu thì tự truy cập vào hệ thống dữ liệu để đối chiếu với mẫu dấu mà DN đã đăng ký. Giữa các DN với nhau, nếu thấy cần dùng dấu thì cứ đóng, không cần thì khỏi đóng, từ từ sẽ quen với việc không cần đóng dấu trên hợp đồng, giấy tờ giao dịch nữa.

Cục cũng cho biết quan điểm mới về con dấu là DN được tự do sáng tạo. DN tạo hình logo, hình mặt trời, mặt trăng, bông hoa, lúa gạo... trên con dấu đều sẽ được chấp nhận cả. Đương nhiên là DN sẽ không được khắc các hình ảnh, ký hiệu không phù hợp thuần phong mỹ tục.

Luật có quy định trên con dấu phải có mã số DN và tên DN, vậy là đủ đảm bảo các con dấu không trùng nhau về mặt kỹ thuật. Điều khó khăn cho chính các DN là vấn đề mỹ thuật. Làm sao con dấu của mình có “cá tính”, không trùng với các DN khác, không “cầm nhầm” logo, biểu trưng của DN khác để làm con dấu của mình, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.