Nhập khẩu than luyện kim của Trung Quốc tăng 2% trong quý I năm 2025
Trong quý I năm 2025, Trung Quốc ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ lượng than luyện kim nhập khẩu từ Canada, Mỹ và Úc, trong đó Canada vươn lên trở thành nhà cung cấp than lớn thứ ba sau khi nhập khẩu từ Mỹ sụt giảm do tác động của chính sách thuế quan mới. Than nhập khẩu từ Mông Cổ giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đã phục hồi đáng kể trong tháng 3 nhờ giá giảm và nhu cầu tăng trở lại.
23/04/2025 18:09
Theo dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong quý I năm 2025, Trung Quốc đã nhập khẩu 27,4 triệu tấn than luyện kim, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước ở mức 26,9 triệu tấn. Sự gia tăng khiêm tốn này được đóng góp bởi lượng nhập khẩu mạnh mẽ từ Canada và Hoa Kỳ, trong khi nguồn cung từ Mông Cổ sụt giảm đáng kể.
Canada trở thành điểm sáng trong các nguồn cung cấp khi quốc gia này đã nhanh chóng mở rộng thị phần tại thị trường Trung Quốc với mức xuất khẩu đạt 2,9 triệu tấn trong quý I, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đã đưa Canada vượt qua nhiều đối thủ để trở thành nhà cung cấp than luyện kim lớn thứ ba cho Trung Quốc, chỉ xếp sau Mông Cổ và Nga. Riêng trong tháng 3, lượng nhập khẩu than từ Canada đã đạt 828.065 tấn tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù giảm 29% so với tháng 2.
Sự gia tăng mạnh mẽ từ Canada được lý giải bởi những thay đổi trong cục diện thương mại quốc tế, đặc biệt là sau khi Trung Quốc áp dụng các mức thuế nhập khẩu đối ứng đối với nguồn than từ Mỹ vào tháng 2. Việc này đã khiến nguồn than từ Mỹ trở nên không còn khả thi với nhiều khách hàng Trung Quốc. Đồng thời, giá than từ Úc – vốn là nguồn cung thay thế tiềm năng – lại ở mức cao và không còn phù hợp với khả năng tài chính của phần lớn người mua tại Trung Quốc trong thời gian gần đây. Trong bối cảnh đó, than Canada, vốn thường được vận chuyển bằng tàu Capesize và có giá thành tương đối cạnh tranh, đã trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn đối với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc.
Trong khi đó, lượng than nhập khẩu từ Mỹ trong quý I năm 2025 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể 44% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2,8 triệu tấn. Tuy nhiên, riêng trong tháng 3, khối lượng này đã sụt giảm nghiêm trọng do tác động của mức thuế nhập khẩu mới, chỉ còn 207.703 tấn - giảm tới 84% so với tháng 2.
Nga tiếp tục giữ vai trò là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc trong lĩnh vực than luyện kim. Tổng lượng than xuất khẩu từ Nga sang Trung Quốc trong quý I năm nay đạt khoảng 8,1 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 3, Trung Quốc nhập khẩu 2,8 triệu tấn than từ Nga, tăng 8% so với tháng 2. Tuy nhiên, một số nhà khai thác than tại Nga đã phải điều chỉnh giảm sản lượng và hạn chế cung ứng sang Trung Quốc trong tháng 4 do giá tại thị trường Trung Quốc đang có xu hướng giảm, gây ra thua lỗ trong hoạt động khai thác và xuất khẩu.
Dữ liệu thống kê hiện tại không phân loại cụ thể các dòng than luyện kim theo cấp độ như than cứng cao cấp (prime hard) hay các loại than thấp cấp hơn. Tuy nhiên, phần lớn than nhập từ Nga được cho là bao gồm các loại than mỡ bán cứng, bán mềm và than phun (PCI), phục vụ nhu cầu đa dạng trong ngành luyện kim của Trung Quốc.
Úc – vốn là một trong những nhà cung cấp truyền thống cho Trung Quốc - cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá trong quý I, với tổng lượng nhập khẩu đạt 1,9 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, riêng trong tháng 3, lượng nhập khẩu từ Úc giảm mạnh 70% so với tháng trước, chỉ đạt 163.263 tấn. Một phần nguyên nhân được cho là do giá FOB của than Úc tiếp tục tăng cao, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cắt giảm lượng mua hoặc tìm kiếm nguồn cung thay thế khác.
Mông Cổ – vẫn giữ vị trí là nhà cung cấp lớn nhất cho Trung Quốc về khối lượng - lại chứng kiến mức giảm đáng kể trong quý I năm nay. Tổng lượng nhập khẩu từ Mông Cổ giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn 10,9 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do giá than Mông Cổ không còn cạnh tranh với giá than nội địa Trung Quốc. Dù vậy, với việc giá than Mông Cổ giảm trong tháng 3, lượng giao hàng từ quốc gia láng giềng này đã phục hồi, tăng 40% so với tháng 2, đạt 4,4 triệu tấn trong tháng 3.
Như vậy, trong quý I, năm quốc gia có lượng than luyện kim nhập khẩu nhiều nhất vào Trung Quốc lần lượt là Mông Cổ, Nga, Canada, Mỹ và Úc.
T.L