Ngành thép xoay xở trước bất lợi
13/03/2018 08:02
Lo ngại về sụt giảm kim ngạch xuất khẩu nếu bị áp thuế nhập khẩu với mặt hàng thép xuất sang Mỹ, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã đưa ra các đề nghị nhằm giảm thiệt hại.
Trợ giúp khẩn
VSA đã đề nghị Chính phủ xem xét, có ngay biện pháp tác động kịp thời trong nửa đầu tháng 3/2018, bởi quyết định về việc đánh thuế với thép nhập khẩu vào Mỹ sẽ được Tổng thống Donald Trump đưa ra trước ngày 11/4/2018.
Theo đánh giá của VSA và các doanh nghiệp, biện pháp đánh thuế mà Mỹ nhắc tới mới đây sẽ tác động rất xấu với hoạt động sản xuất và xuất khẩu sản phẩm thép của Việt Nam, thậm chí có thể làm ngành thép Việt mất toàn bộ thị trường Mỹ.
Cụ thể, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt 445 triệu USD, chiếm 1,6% tổng lượng nhập khẩu của nước này. Theo tính toán của VSA, với trường hợp Mỹ áp dụng biện pháp thuế suất tối thiểu 53%, thép Việt sẽ không thể cạnh tranh được với các quốc gia khác, dẫn đến nguy cơ bị loại trừ hoàn toàn ra khỏi thị trường Mỹ.
“Đây chính là biện pháp phân biệt đối xử, đẩy Việt Nam vào tình huống khó khăn và nguy cơ bị triệt tiêu, mất thị trường là thấy rõ. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp trong nước đối mặt với nguy cơ phá sản, thua lỗ, khiến đời sống của hàng vạn lao động gặp khó khăn”, VSA nhận xét.
Đối với biện pháp thứ hai - áp dụng hạn ngạch 63% đối với tất cả sản phẩm thép nhập khẩu từ tất cả các quốc gia. Tình huống xấu có thể xảy ra mà doanh nghiệp thép Việt phải đối mặt, đó là lượng xuất khẩu sẽ giảm cực mạnh vào khoảng 37%, tương đương với 164 triệu USD doanh thu xuất khẩu năm 2017 và ảnh hưởng tới toàn ngành một cách nghiêm trọng về lâu dài.
Trường hợp áp dụng mức thuế chung tối thiểu là 24%, dù được coi là ít tác động nhất, nhưng vẫn gây thiệt hại rất lớn đối với doanh nghiệp Việt, nhất là so với các nước không bị hạn chế bằng hạn ngạch và bị áp thuế.
Đường ra
Trao đổi với báo giới, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA cho hay, một trong những lý do phía Mỹ đưa ra khi điều tra chống lẩn tránh thuế là bởi lập luận, giá trị gia tăng các mặt hàng Việt Nam xuất sang Mỹ không cao. Có nghĩa là có yếu tố từ Trung Quốc qua Việt Nam để xuất khẩu.
“Thực tế, nguyên liệu sản xuất Việt Nam có nhập từ Trung Quốc, nhưng không phải cái gì cũng nhập. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có đầu tư lớn, tạo ra giá trị gia tăng cao. Chúng tôi sẽ dùng lập luận này để bảo vệ ngành thép trước cáo buộc của Mỹ”, ông Dũng nói.
Bên cạnh hướng giải quyết tìm kiếm hợp tác với một số nước có hoàn cảnh tương tự để tham vấn và phối hợp trong tất cả giai đoạn, VSA và các doanh nghiệp cũng đã tính tới khả năng phối hợp với các nước khác cùng bị ảnh hưởng để kiện ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Ở góc độ khác, một doanh nghiệp ngành thép cũng cho hay, với việc Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) bắt đầu đi vào sản xuất từ nửa cuối năm 2017, các doanh nghiệp tôn thép có khả năng bị ảnh hưởng của vụ kiện thuế thép vào Mỹ có thể gia tăng mua sản phẩm cuộn cán nóng của FHS để làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
“Tuy mới đi vào sản xuất, phải chịu khấu hao cao, nhưng giá bán sản phẩm cuộn cán nóng của FHS khá cạnh tranh so với sản phẩm nhập khẩu. Hiện công suất cuộn cán nóng của FHS có thể đạt 2,5 triệu tấn/năm, trong tổng công suất 5 triệu tấn/năm và FHS cũng có kế hoạch tăng lên 7 triệu tấn/năm. Mặc dù họ dự định xuất khẩu lớn, nhưng vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu nội địa”, doanh nghiệp này nói.