Ngành thép châu Âu kêu gọi nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại mới

Ngành thép châu Âu bày tỏ lo ngại về tác động của thuế quan Mỹ đối với các sản phẩm thép và nguy cơ chuyển hướng thương mại. Nhấn mạnh việc ưu tiên sử dụng thép nội khối, kêu gọi các cơ chế phòng vệ thương mại mạnh mẽ và xem xét, rà soát Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Bên cạnh đó, đề xuất cần giữ lại nguồn thép phế liệu trong EU và thực thi nghiêm ngặt các yêu cầu về việc sử dụng thép sản xuất nội địa trong các dự án xây dựng và sản xuất.

10/04/2025 18:12

Ngành thép châu Âu đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về tác động sâu rộng từ các mức thuế mới của chính quyền Mỹ, bao gồm cả ảnh hưởng đến các sản phẩm thép và các ngành sản xuất liên quan, nguy cơ nghiêm trọng từ sự chuyển hướng thương mại. Những lo ngại này được nêu rõ trong cuộc đối thoại cấp cao do Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Bà Ursula von der Leyen chủ trì vào ngày 7/4 vừa qua. Cuộc họp nhằm thảo luận các hệ quả của chính sách thuế của Mỹ đối với thép, nhôm và các sản phẩm liên quan.

Cuộc họp tập trung vào việc tìm kiếm và đề xuất các giải pháp ứng phó hiệu quả nhất đối với các biện pháp của Hoa Kỳ.

Mặc dù các đại diện ngành bày tỏ sự hoan nghênh đối với Kế hoạch hành động ngành thép và kim loại (SMAP) cũng như Thỏa thuận công nghiệp sạch từ Ủy ban châu Âu, họ vẫn nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai một số hành động cụ thể.

Hiệp hội Eurometal – đại diện cho các trung tâm dịch vụ và thương nhân trong ngành thép EU - đề xuất sử dụng đấu thầu công để ưu tiên sản phẩm thép nội địa, hỗ trợ sản xuất và đổi mới trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt cho quá trình chuyển đổi xanh và an ninh quốc phòng của EU.

Đại diện ngành công nghiệp kêu gọi ban hành ngay các biện pháp phòng vệ thương mại mới cho ngành thép, ngoài phạm vi các biện pháp hiện hành dự kiến sẽ hết hiệu lực vào tháng 6/2026, nhằm đối phó với nguy cơ chuyển hướng xuất khẩu từ các quốc gia sản xuất thép lớn.

Phát ngôn viên của Eurofer - Hiệp hội Thép châu Âu cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh sáng kiến của Chủ tịch Ủy ban châu Âu và sự thấu hiểu của bà về tính cấp bách của tình hình hiện tại. Cuộc họp diễn ra tích cực và chúng tôi mong đợi các bước tiếp theo sớm được triển khai”.

Eurofer nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai khẩn cấp và toàn diện Kế hoạch SMAP, đồng thời cảnh báo tác động lớn từ chính sách thuế của Mỹ đối với ngành thép EU.

Các biện pháp thay thế sau khi cơ chế phòng vệ hiện tại kết thúc cần được triển khai sớm chứ không nên chờ đến quý III. Eurofer cho rằng, các biện pháp hiện hành "đã bị suy yếu nghiêm trọng do được nới lỏng, khiến phần lớn mặt hàng nhập khẩu truyền thống vào EU mà không chịu bất kỳ mức thuế nào".

Biện pháp mới cần mở rộng phạm vi sản phẩm, trước hết là bổ sung những loại thép chưa được bảo vệ, sau đó mở rộng sang các sản phẩm hạ nguồn sử dụng thép, tương tự cách Mỹ đã áp dụng thuế với các sản phẩm sử dụng thép.

Một vấn đề khác được nhấn mạnh là sự suy giảm nguồn phế liệu dùng cho tái chế trong EU. Các đại diện đề nghị EU thực hiện các biện pháp hiệu quả để giữ lại đủ lượng phế liệu trong khối. Đồng thời nhấn mạnh vai trò của các yêu cầu về hàm lượng nội địa – đặc biệt là trong các gói mua sắm công, nơi có tiềm năng rất lớn để thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Ngoài ra, các bên cũng ủng hộ việc đẩy nhanh quá trình rà soát Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) nhằm khắc phục những lỗ hổng còn tồn tại, đảm bảo cơ chế này hỗ trợ hiệu quả cho các nhà sản xuất thép EU.

Ông Paul Voss - Tổng giám đốc European Aluminium nhận định: “Chủ tịch Von der Leyen đã gửi đi một thông điệp rõ ràng: giữ lại ngành sản xuất và tái chế nhôm tại châu Âu là yếu tố then chốt đối với tương lai của châu lục. Chúng tôi hoan nghênh sự công nhận này từ cấp chính trị cao nhất và kỳ vọng hành động nhanh chóng, hiệu quả để ngăn chặn thất thoát nguồn thép phế liệu, tăng cường phòng vệ thương mại và giải quyết tác động từ thuế quan của Mỹ”.

Eurometal cũng chỉ ra rằng, các ngành công nghiệp hạ nguồn và đơn vị vận tải của Mỹ hiện đang chịu áp lực lớn từ lạm phát đối với hàng nhập khẩu, trong khi biên lợi nhuận vận tải đang sụt giảm. Với việc thị trường thép Mỹ phụ thuộc vào nhập khẩu tới 25%-30%, các biện pháp bảo hộ này vô tình có thể làm suy yếu năng lực cạnh tranh của Mỹ - trái ngược với mục tiêu ban đầu. Điều này rất quan trọng cho các cuộc đàm phán xuyên Đại Tây Dương trong tương lai.

Dù châu Âu xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Mỹ hơn so với chiều ngược lại, nhưng ở mảng dịch vụ - đặc biệt là công nghệ - tình hình lại khác. Điều này cho thấy rằng mảng dịch vụ, đặc biệt là công nghệ, có thể trở thành kênh chính để Brussels phản ứng hiệu quả.

T.L