Ngành thép châu Âu đối mặt với thách thức giảm phát thải, nhu cầu suy yếu

* Các thách thức đe dọa sản xuất và việc làm.
* Đầu tư vào các dự án thép carbon thấp bị trì hoãn.
* Các nhà sản xuất thép kêu gọi EU sớm đưa ra chính sách hiệu quả hơn.

06/01/2025 17:07

Ngành thép được dự đoán sẽ trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự chính trị của nhiều quốc gia châu Âu vào năm 2025 khi các chính phủ phải đối mặt với áp lực từ tình trạng cắt giảm sản xuất và việc làm trong ngành thép.

Các quốc gia châu Âu cần sớm có các giải pháp cụ thể để thúc đẩy ngành thép chuyển đổi sang sản xuất carbon thấp, nếu không ngành này có thể suy giảm dẫn đến nguy cơ bất ổn kinh tế và chính trị nghiêm trọng.

THỊ TRƯỜNG THÉP SUY GIẢM

Ngành thép châu Âu đang trải qua giai đoạn khó khăn trong những tháng gần đây với hoạt động giao dịch yếu và giá cả giảm mạnh.

Các nhà sản xuất thép đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có, nguyên nhân do chịu áp lực lớn từ chi phí giảm phát thải carbon để đáp ứng các mục tiêu khí hậu và tác động từ tình trạng dư thừa công suất nghiêm trọng, đặc biệt từ Trung Quốc, dẫn tới lượng lớn thép nhập khẩu giá rẻ, được trợ cấp nhiều và có lượng CO2 cao.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, sản lượng thép châu Âu đã giảm gần một phần ba, và số lượng việc làm giảm 25%. Nhu cầu vẫn chưa phục hồi về mức trước giai đoạn dịch COVID-19. Cùng với chi phí năng lượng cao và lượng nhập khẩu gia tăng, biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép bị thu hẹp, đe dọa khả năng tái đầu tư và duy trì hoạt động sản xuất.

Theo Hiệp hội Thép Châu Âu (EUROFER), sản lượng thép tại EU đã giảm mạnh từ năm 2018, chỉ còn 126 triệu tấn vào năm 2023. Nhập khẩu gia tăng hiện chiếm 27% thị trường EU, làm suy yếu sản xuất nội địa, trong khi tỷ lệ sử dụng công suất giảm xuống mức đáng lo ngại chỉ khoảng 60%.

THÁCH THỨC TRONG CHUYỂN ĐỔI SẢN XUẤT GIẢM PHÁT THẢI VÀ CÁC DỰ ÁN THÉP CARBON THẤP

Ông Adolfo Aiello, Phó Tổng Giám đốc EUROFER phụ trách Khí hậu và Năng lượng, cho biết thách thức đã chuyển từ việc đảm bảo nguồn vốn cho các dự án chuyển đổi carbon thấp sang việc vận hành các dự án này trong bối cảnh chi phí năng lượng cao và các biện pháp phòng vệ thương mại chưa hiệu quả.

Nỗ lực sản xuất thép xanh bị cản trở bởi chi phí năng lượng cao, căng thẳng địa chính trị và thiếu các biện pháp bảo vệ thương mại hiệu quả.

Nhiều thông báo gần đây từ các nhà sản xuất thép châu Âu cho thấy việc đầu tư vào các dự án thép carbon thấp bị hoãn lại do điều kiện thị trường khó khăn. Sự suy giảm kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực ô tô và xây dựng, đã ảnh hưởng đến nhu cầu đối với sản phẩm thép xanh.

Tổng cộng, khoảng 60 dự án thép carbon thấp đang được triển khai tại EU, nhưng sự phát triển các dự án này phụ thuộc nhiều vào việc cung cấp năng lượng tái tạo với chi phí hợp lý và sản xuất hydro xanh.

KÊU GỌI HÀNH ĐỘNG TỪ CHÍNH SÁCH

ArcelorMittal, nhà sản xuất thép lớn nhất châu Âu, đã hoãn các quyết định đầu tư cuối cùng vào các dự án DRI-EAF tại một số quốc gia và mục tiêu giảm phát thải carbon vào năm 2030. Đại diện của ArcelorMittal cho biết: "Chúng tôi cần một cơ chế điều chỉnh biên giới carbon hiệu quả và các biện pháp phòng vệ thương mại mạnh mẽ hơn để nâng cao hiệu quả kinh doanh. Chúng tôi đang chờ chi tiết về Kế hoạch hành động đối với ngành thép của Ủy ban Châu Âu vì những khoản đầu tư hàng tỷ euro này sẽ định hình tương lai của chúng tôi."

Tập đoàn Thyssenkrupp khẳng định cam kết chuyển đổi xanh và sản xuất thép trung hòa carbon, nhưng nhấn mạnh rằng các quyết định đầu tư còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, tập đoàn cũng cam kết sản xuất thép của họ phải đạt trung hòa carbon chậm nhất vào năm 2045.

Bà Kerstin Maria Rippel, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thép Đức, bày tỏ lo ngại đối với ngành thép Châu Âu trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng cao và sự cạnh tranh "không công bằng" từ Trung Quốc. Bà kêu gọi cần những chính sách công nghiệp đồng bộ từ các quốc gia để vượt qua cuộc khủng hoảng và đảm bảo một tầm nhìn dài hạn đáng tin cậy

Các nhà sản xuất thép khu vực đã kêu gọi Ủy ban Châu Âu triển khai một kế hoạch hành động toàn diện cho ngành thép.

Ủy ban Châu Âu và chính phủ các quốc gia thành viên cần thiết lập các khung pháp lý mạnh mẽ nhằm khuyến khích đầu tư vào công nghệ thép xanh, giải quyết vấn đề chi phí năng lượng và hydrogen cao, đồng thời bảo vệ ngành thép trước các sản phẩm nhập khẩu được trợ cấp từ nước ngoài.

T.L