Mỹ-EU đàm phán thuế nhôm và thép “hợp sức” đối phó Trung Quốc

Hai bên ra tuyên bố chung khẳng định, cam kết làm việc cùng nhau để tìm ra giải pháp hiệu quả hướng tới bảo vệ các ngành công nghiệp quan trọng.

18/05/2021 21:26

Hai bên ra tuyên bố chung khẳng định, cam kết làm việc cùng nhau để tìm ra giải pháp hiệu quả hướng tới bảo vệ các ngành công nghiệp quan trọng.

Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ hôm qua (17/5) thông báo, bắt đầu đàm phán về những tranh chấp thương mại liên quan tới thép và nhôm, đồng thời khẳng định “hợp sức” trong đối phó với cạnh tranh từ Trung Quốc. Hai bên đang hướng tới mục tiêu giải quyết xung đột trước cuối năm nay. Các chuyên gia nhìn nhận, đây là một đột phá trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau 4 năm sóng gió dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Chỉ 4 tháng sau tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen và Tổng thống Mỹ Joe Biden, Liên minh châu Âu và Mỹ đã chứng kiến bước đột phá trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Hai bên hôm 17/5 ra tuyên bố chung khẳng định, cam kết làm việc cùng nhau để tìm ra giải pháp hiệu quả hướng tới bảo vệ các ngành công nghiệp quan trọng. Trước tiên là những tranh cãi liên quan tới thuế nhôm và thép, từng khiến quan hệ hai bên sóng gió trong nửa cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump.

Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu bắt nguồn từ việc chính quyền Tổng thống Donald Trump vào tháng 3/2018 quyết định áp thuế bổ sung đối với xuất khẩu thép và nhôm của Liên minh châu Âu, tương đương khoảng 6,4 tỷ EURO. Đáp lại, Liên minh châu Âu cũng áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ trị giá 2,8 tỷ EURO và dự kiến 3,6 tỷ EURO nữa ngay từ tháng tới, để bù đắp những thiệt hại mà biện pháp thuế của Mỹ gây ra. Tuy nhiên, với tuyên bố ngày 17/5, mức tăng theo lộ trình đã tạm thời được hoãn lại để tạo cơ hội cho đối thoại.

Theo các nhà phân tích, hiện có một quyết tâm lớn từ cả 2 bờ Đại Tây Dương để giải quyết vấn đề dư thừa công suất, liên quan đến thép và nhôm mà theo tuyên bố phần lớn là do các bên thứ 3 thúc đẩy - chủ yếu là Trung Quốc. Nước này hiện là nhà sản xuất lớn nhất thế giới đối với cả nhôm và thép. Công suất dư thừa xảy ra khi nhu cầu về một sản phẩm thấp hơn số lượng mà doanh nghiệp có thể cung cấp.

Theo Liên minh châu và Mỹ, những biến dạng do công suất dư thừa này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các ngành công nghiệp thép và nhôm định hướng trị trường của Liên minh châu Âu và Mỹ, cũng như người lao động trong các ngành này. Liên minh châu Âu và Mỹ muốn tìm ra một giải pháp lâu dài và khả thi trước cuối năm nay.

Bên cạnh thương mại, các cuộc thảo luận cũng nhằm tăng cường liên minh dân chủ giữa các đối tác xuyên Đại Tây Dương. Bước đột phá ngoại giao báo hiệu một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ - Liên minh châu Âu sau khi ông Joe Biden trở thành “Ông chủ” thứ 46 của nước Mỹ. Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần bày tỏ mong muốn thiết lập liên minh với các nước có liên kết để đối phó với vô số thách thức do Trung Quốc đặt ra.

Lãnh đạo đảng Dân chủ này cũng thẳng thắn thừa nhận coi Trung Quốc là đối thủ chính của Mỹ trên trường quốc tế. Ông Biden dự kiến sẽ thăm Brussels (Bỉ) vào tháng tới để dự Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu./.