Mất cân đối cung cầu, gian lận xuất xứ: Sức ép kép của ngành thép Việt Nam
08/10/2019 11:33
Khó khăn mà ngành thép Việt Nam đang phải đối mặt nhiều nhất là các biện pháp phòng vệ thương mại khi xuất khẩu và vấn đề nguồn cung nguyên liệu sản xuất.
Tình trạng chung của ngành thép: Dư thừa năng lực sản xuất
Hiệp hội Thép Thế giới dự báo triển vọng tăng trưởng thép toàn cầu 2019 dự kiến đạt 1,82 tỉ tấn tăng 0,8% so với năm 2018. Đáng chú ý là lượng sản xuất thép thô của Trung Quốc 7 tháng 2019 đã đạt 577 triệu tấn, tăng 9% so với năm trước.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định thị trường thép toàn cầu đang tiếp tục đối mặt với tình trạng dư thừa năng lực sản suất.
Trong những năm 2014 - 2015 giá thép giảm mạnh, xuất khẩu thép Trung Quốc đạt mức kỉ lục 112 triệu tấn vào năm 2015. Kể từ năm 2016 đến nay, Trung Quốc có chính sách đóng cửa các cơ sở nhỏ, lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các năm 2017 và 2018. Sức ép nguồn cung giảm, giá thép toàn cầu được cải thiện.
Hiện sản xuất thép của Việt Nam đứng thứ 17 trên thế giới với 14,5 triệu tấn thép năm 2018. Thị trường Việt Nam cũng chịu tác động của sự biến động giá nguyên liệu sản xuất thép, chính sách bảo hộ ngành thép trên toàn cầu và dư thừa nguồn cung đối với một số sản phẩm thép.
Số liệu thống kê của VSA cho biết xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài của ngành thép Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019 đang gặp phải tình trạng khó khăn hơn bởi các hàng rào phòng vệ thương mại.
Cụ thể, riêng trong tháng 8, sản xuất thép đạt hơn 2 triệu tấn, giảm 1,15% so với tháng trước và xấp xỉ mức sản lượng cùng kì 2018. Bán hàng đạt hơn 1,8 triệu tấn, giảm 10,34% so với tháng trước và giảm 4,4% so với cùng kì năm 2018.
Trong đó, xuất khẩu thép đạt hơn 355.600 tấn, giảm 2,74% so với tháng 7/2019 và giảm 9,3% so với cùng kì năm ngoái.
Theo đó, nếu loại trừ tăng trưởng của thép cuộn cán nóng thì tốc độ tăng trưởng sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép đều giảm lần lượt là 2% và 4% so với cùng kì năm 2018.
Thép Việt Nam liên quan đến nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại
Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Đa cho rằng ngành thép Việt Nam đang có những cơ hội mới để chuyển mình mạnh mẽ trên thị trường thép trên thế giới và khu vực nhưng bên cạnh đó là những nguy cơ về các vấn đề phát sinh, tình hình mất cân đối cung cầu trong nước cũng như gia tăng tình trạng gian lận xuất xứ.
Cụ thể, kể từ năm 2004, tổng số các vụ nước ngoài kiện sản phẩm thép Việt Nam lên tới 52 vụ việc, bao gồm 30 vụ chống bán phá giá, 3 vụ chống trợ cấp, 3 vụ chống bán phá giá và chống trợ cấp, 9 vụ tự vệ toàn cầu, 6 vụ chống lẩn tránh thuế và 1 vụ sử dụng biện pháp theo Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962.
Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Trưởng phòng Xử lí phòng vệ thương mại nước ngoài cho biết thêm số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với sản phẩm thép chiếm 39,1% trong tổng số vụ việc các sản phẩm của Việt Nam bị áp dụng, trong đó Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là hai thị trường sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại nhiều nhất.
Hiện có 13 vụ việc được chấm dứt điều tra, 33 vụ việc có kết luận cuối cùng áp thuế, trong đó có 3 vụ việc đã hết hạn áp thuế, 3 vụ có kết luận cuối cùng không áp thuế và 12 vụ đang trong quá trình điều tra.
Ông Tô Thái Ninh, Trưởng phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp Cục phòng vệ thương mại cho biết một số sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam hiện đang bị cơ quan nhà nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như: thép hình H, thép không gỉ cán nguội, thép cuộn cán nguội, thép mạ, thép phủ màu.
Tuy nhiên, ông Ninh nhấn mạnh các biện pháp phòng vệ thương mại Việt Nam áp dụng hiện nay chỉ có thể sử dụng với các sản phẩm mà các ngành sản xuất trong nước đã sản xuất được như thép phủ màu, thép mạ.
Trong khi đó, đối với các sản phẩm mà chưa sản xuất được thì các cơ quan quản lí nhà nước chưa thể sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.