Liên minh châu Âu tham gia cuộc chiến pháp lý Mỹ-Trung tại WTO
24/04/2018 10:54
Liên minh châu Âu (EU) đã tham gia cuộc chiến pháp lý với Mỹ do Trung Quốc khởi xướng tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xoay quanh các mức thuế mới mà Washington áp đặt đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu.
Trong thông báo ngày 23/4, WTO cho biết EU đã gửi kiến nghị chính thức, theo đó yêu cầu tham gia các cuộc tham vấn giữa Trung Quốc và Mỹ tại WTO với tư cách là một bên có lợi ích thương mại đáng kể trong vấn đề này.
Phía EU cho rằng chính sách thuế mới của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới hàng hóa xuất khẩu của EU sau khi biện pháp miễn trừ của Washington đối với khối này hết hiệu lực vào ngày 1/5 tới.
Hiện chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét khả năng áp dụng mức thuế mới với hàng hóa nhập khẩu từ EU.
Trước đó, ngày 5/4, Trung Quốc đã gửi kiến nghị lên WTO yêu cầu tiến hành tham vấn tại cơ quan này về những mâu thuẫn thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, đánh dấu bước đầu tiên khởi động một cuộc chiến pháp lý với Mỹ.
Tiếp sau Trung Quốc, các nước Ấn Độ, Nga và Thái Lan cũng đã đệ đơn yêu cầu tham gia tiến trình tham vấn này. EU là trường hợp đầu tiên trong danh sách miễn trừ thuế tạm thời của Mỹ (gồm Canada, Mexico, Australia, Argentina, Brazil và Hàn Quốc) yêu cầu tham gia tham vấn, với mong muốn được miễn trừ vĩnh viễn và vô điều kiện.
Động thái của EU diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều tiếng nói tại WTO quan ngại về quyết định mới đây của Mỹ tăng thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu.
Tại cuộc họp ngày 23/4 của Ủy ban về các biện pháp tự vệ thuộc WTO, 7 quốc gia thành viên WTO gồm Nga, Ấn Độ, Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Thụy Sĩ và Singapore đã lần lượt bày tỏ quan ngại hoặc thất vọng về chính sách thuế mới của Mỹ.
Về phần mình, Washington tái khẳng định các mức áp thuế mới là vì an ninh quốc gia và không phải là biện pháp tự vệ, do đó theo thỏa thuận về các biện pháp tự vệ, các nước thành viên WTO không có cơ sở để yêu cầu tiến hành tham vấn với Mỹ về vấn đề này.
Theo quy định của WTO, các nước có thể yêu cầu được miễn trừ các nguyên tắc thương mại quốc tế nếu chứng minh được việc áp đặt thuế là cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, việc miễn trừ không được áp dụng đối với các biện pháp tự vệ.
Hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng lần lượt 10% và 25% các mức thuế đối với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu, làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ từ các đối tác thương mại trên toàn cầu.
EU và các đồng minh khác của Mỹ không chỉ quan ngại các mức thuế mới này sẽ hạn chế số lượng hàng hóa được xuất sang Mỹ, mà còn lo lắng lượng thép bị cấm nhập khẩu vào Mỹ sẽ tràn vào thị trường nội địa, khiến nguồn cung dư thừa./.