Hội thảo quốc tế về thép phế và nguyên liệu thô lần thứ 3 tại Thái Lan

Để cùng nhau trao đổi ý kiến và nhìn nhận thị trường nguyên liệu thép trong tương lại, SteelMint đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Thép phế liệu và nguyên liệu thô Châu Á” lần thứ 3 tại Bangkok ,Thái Lan trong 2 ngày 11-12 tháng 9 năm 2017.

13/09/2017 15:31

Thị trường thương mại thép thế giới đang bắt đầu có sự biến đổi. Thép phế liệu Trung Quốc đang đe dọa làm thay đổi nguồn cung thép trên thế giới cho các nước đang có nhu cầu sử dụng thép phế tăng mạnh trong khu vực Châu Á như Pakistan, Bangladesh, Việt Nam và Indonesia. Các nước trong khu vực Đông Nam Á đang trong giai đoạn phát triển cơ sở hạ tầng chưa từng có. Trong khi các chính sách tái chế kim loại mới của Ấn Độ đang được thực hiện nhằm thay đổi động lực nhập khẩu phế liệu và các nhà sản xuất thép đang cố gắng cải thiện chi phí sản xuất để gia tăng thêm hiệu quả.

Để cùng nhau trao đổi ý kiến và nhìn nhận thị trường nguyên liệu thép trong tương lại, SteelMint đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Thép phế liệu và nguyên liệu thô Châu Á” lần thứ 3 tại Bangkok ,Thái Lan trong 2 ngày 11-12 tháng 9 năm 2017. Hội thảo tập trung nhiều chuyên gia, diễn giả có uy tín, các doanh nghiệp sản xuất thép, các nhà thương mại để cùng thảo luận các vấn đề cùng quan tâm.

Các chủ đề được các diễn giả trình bày và trao đổi tại hội nghị tập trung làm sáng tỏ một số vấn đề như:

- Trung quốc sẽ có những tác động thế nào tới nguồn cung thép phế liệu và thị trường thép khu vực;

- Liệu Pakistan có trở thành nước nhập khẩu thép phế lớn thứ 2 Châu Á;

- Bangladesh có tăng gấp đôi nhu cầu thép vào năm 2022;

- Các nước Đông Nam Á sẽ phụ thuộc vào nhập khẩu hay tăng cường sản xuất;

- Chính sách của Ấn Độ về tái chế và nhập khẩu thép phế. Sự tăng trưởng xuất khẩu từ Ấn Độ.

- Nguồn cung thép phế sẽ hình thành như thế nào trong năm 2017-2018;

- Nguồn cung cấp thép phế từ hoạt động phá dỡ tầu cũ như thế nào;

- Và làm sao để các nhà sản xuất thép có thể giảm chi phí để cạnh tranh.

Đặc biệt, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt thời gian qua của ngành thép Việt Nam được các nước trong khu vực rất quan tâm. Từ chỗ phụ thuộc vào việc nhập khẩu thép, Việt Nam đã trở thành nước sản xuất, tiêu thụ thép lớn trong khu vực và đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, Việt Nam cũng đang là nước nhập khẩu nguyên liệu thô nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á và có ảnh hưởng nhất định đối với các nước xuất khẩu thép phế. Để làm rõ hơn về sự phát triển của ngành thép Việt Nam và các định hướng trong thời gian tới, SteelMint đã mời ông Nghiêm Xuân Đa – Phó chủ tịch VSA, chủ tịch Hội đồng quản trị VNSTEEL, làm diễn giả tại Hội thảo với chủ đề “Các động lực phát triển của ngành thép Việt Nam đến năm 2020”. Nội dung trình bày của ông Nghiêm Xuân Đa, Phó chủ tịch VSA đã đưa ra bức tranh tổng thể về sự phát triển của ngành thép Việt Nam và làm nổi lên những động lực của ngành thép Việt Nam đến năm 2020 cho các đại biểu tham dự hội nghị. Bài trình bày nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của các đại biểu tham dự hội nghị.

Cùng quan tâm tới các tác nhân làm thay đổi ngành thép trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng trong thời gian tới, Hiệp Hội Thép Việt Nam (VSA) cùng một số doanh nghiệp sản xuất thép lớn trong ngành như Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL); Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam – VNSTEEL; Công ty TNHH Thép Vinakyoei; Công ty TNHH NatsteelVina; Công ty CP Tôn mạ Vnsteel Thăng Long và một số doanh nghiệp khác đã cùng tham dự hội nghị.

Bên lề diễn đàn của hội nghị, các doanh nghiệp tham gia còn có cơ hội để giao lưu, trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Các doanh nghiệp Việt Nam nhận được rất nhiều sự quan tâm từ đặc biệt là các nhà cung cấp nguyên liệu thô. Với sự phát triển mạnh mẽ về nhu cầu nguyên liệu, các doanh nghiệp ngành thép của Việt Nam hy vọng sẽ tìm thêm được các đối tác uy tín trong thời gian tới.

Hội nghị đã kết thúc sau 2 ngày thảo luận sôi nổi đã đem lại cho các đại biểu tham dự một cách nhìn mới về ngành thép Châu Á trong thời gian tới và những định hướng mới về nguyên liệu trong tương lai.