Hoạt động thương mại của ngành thép Việt Nam

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua, ngành thép Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể trong khu vực và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong ngành thép khu vực ĐNÁ và cải thiện vị trí trong ngành công nghiệp thép thế giới.

19/06/2017 11:24

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua, ngành thép Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể trong khu vực và giữ vai trò ngày càng quan trọng trong ngành thép khu vực ĐNÁ và cải thiện vị trí trong ngành công nghiệp thép thế giới.

Năm 2015, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 24 về sản xuất thép thô trong top 50 quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới theo thống kê của World Steel, tăng 2 bậc so với năm 2014 (ở vị trí thứ 26). Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang ở vị trí số 1, chiếm 29% tổng sản lượng thép thô của khu vực này.

Với vị trí là một nước sản xuất và tiêu thụ thép hàng đầu của khu vực, hoạt động thương mại của Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung trong thời gian tới sẽ có những tác động nhất định trong quá trình hợp tác giữa các nước trong khu vực.

Đối với hoạt động nhập khẩu, Việt Nam đang nằm trong top 20 quốc gia nhập khẩu nhiều thép nhất thế giới, năm 2015 Việt Nam đứng ở vị trí thứ 7 của thế giới và đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á về lượng thép nhập khẩu.

Do năng lực sản xuất của ngành công nghiệp thép Việt Nam vẫn được dự báo tiếp tục tăng trưởng với mức cao, do đó nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu vẫn sẽ tăng, đặc biệt nguyên liệu cho sản xuất lò cao sẽ tăng cao (quặng sắt, than mỡ, than cốc).

Trong thời gian qua, mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất là dẹt cán nóng. Tuy nhiên, trong thời gian tới với các dự án sản xuất phôi dẹt đi vào hoạt động và cung cấp sản phẩm phôi dẹt, cuộn cán nóng ra thị trường thì nhu câu nhập khẩu từ các sản phẩm này sẽ giảm.

Đối với hoạt động xuất khẩu, Việt Nam đang ở vị trí số 1 của khu vực ASEAN về xuất khẩu thép thành phẩm.

Ngành thép Việt Nam đang phấn đấu để trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu thép trong khu vực. Năm 2016 vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4 triệu tấn thép các loại, tăng 18,1% so với năm 2015, trong đó riêng thép thành phẩm là 3,48 triệu tấn tăng hơn 30% so với năm 2015.

Qua biểu đồ có thể thấy sản lượng xuất khẩu của Việt Nam đang tăng mạnh, với công suất ngày càng tăng và các dự án lớn được đầu tư mới, sức cạnh tranh của thị trường sẽ ngày càng cao và áp lực đối với công suất dư thừa sẽ tác động khiến các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu, xuất khẩu của VN sẽ tăng cao hơn trong các năm tới.