Hoa Kỳ phản ứng mạnh mẽ đối với phán quyết của WTO về biện pháp thuế quan Mục 232

Hoa Kỳ cho biết sẽ không có ý định dỡ bỏ thuế nhập khẩu Mục 232 đối với thép và nhôm do cựu Tổng thống Donald Trump áp dụng từ năm 2018, mặc dù Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) quyết định biện pháp này vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu.

13/12/2022 18:20

Biện pháp thuế quan Mục 232 của Hoa Kỳ là gì?

Mục 232 của Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962 cho phép Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét điều tra ảnh hưởng của hoạt động nhập khẩu đến vấn đề an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Năm 2018, Hoa Kỳ đã áp thuế đối với hai sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu (25% đối với thép và 10% đối với nhôm từ hầu hết các quốc gia), không quy định thời hạn kết thúc, khi cho rằng việc nhập khẩu hai mặt hàng này vi phạm đến vấn đề đã nêu trên.

Năm 2020, Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng Lệnh áp thuế theo Mục 232 đối với cả hai mặt hàng, chưa có thời hạn kết thúc, do nghi ngờ các nhà xuất khẩu nước ngoài có hành vi lẩn tránh lệnh áp thuế. Lệnh áp thuế mở rộng theo Mục 232 được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu sản xuất từ thép gồm các mã HS: 7317.00; 8708.10; 8708.29.

Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng áp dụng cơ chế miễn trừ biện pháp đối với thép cho một số quốc gia bao gồm Argentina, Brazil, Canada, Mexico, Hàn Quốc. Đồng thời, vào năm 2021, 27 quốc gia EU cũng đã đạt được thỏa thuận hợp tác 2 năm với Hoa Kỳ về việc chấm dứt mâu thuẫn Mục 232.

Phán quyết của WTO và phản ứng của Hoa Kỳ 

Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO bác bỏ lập luận chính của Washington rằng các khoản thuế là cần thiết vì lý do an ninh quốc gia, vì không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy Mục 232 được bắt đầu trong thời gian chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp khác trong quan hệ quốc tế.

Trợ lý Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Adam Hodge, cho biết Hoa Kỳ “phản đối mạnh mẽ cách giải thích và kết luận thiếu sót” của cơ quan này.

“Các báo cáo này của WTO chỉ củng cố nhu cầu cải cách cơ bản hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO. WTO đã được chứng minh là không hiệu quả trong việc ngăn chặn tình trạng dư thừa năng lực phi thị trường nghiêm trọng và dai dẳng từ CHND Trung Hoa và các nước khác, vốn là mối đe dọa hiện hữu đối với các ngành thép và nhôm và là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ."

Mặc dù là một chính sách từ thời chính quyền Tổng thống Trump, ông Hodge cho biết: “Chính quyền Biden cam kết bảo vệ an ninh quốc gia của Hoa Kỳ bằng cách đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài của ngành thép và nhôm của chúng tôi, đồng thời chúng tôi không có ý định loại bỏ các khoản thuế theo Mục 232 do những khiếu nại này.”

Cơ quan chuyên ngành, Viện Sắt thép Hoa Kỳ (AISI), cũng mạnh mẽ không kém khi Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Kevin Dempsey nhận xét: “Một Hội đồng giải quyết tranh chấp của WTO một lần nữa đã vượt quá quyền hạn của mình… cải cách đáng kể và có hệ thống đối với hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO là điều cần thiết để đảm bảo rằng tất cả các quyền của các thành viên WTO được bảo vệ đầy đủ.”

Ông cho biết thêm, chương trình Mục 232 đã giảm lượng nhập khẩu thép tăng liên tục đe dọa sức khỏe của ngành thép Hoa Kỳ và tạo động lực cho hơn 22 tỷ USD (~20,8 tỷ Euro) đầu tư mở rộng công suất của các nhà sản xuất thép trong nước kể từ khi các biện pháp được đưa ra vào tháng 3 năm 2018.

Ông Dempsey cũng đề cập đến công suất thép dư thừa ước tính trên toàn cầu lên tới 562 triệu tấn trong năm nay, gấp hơn sáu lần tổng sản lượng của Hoa Kỳ, với nhiều quốc gia tiếp tục tăng công suất thép của họ. Với những trường hợp đó, “chúng tôi tin rằng các biện pháp theo Mục 232 đối với thép vẫn cực kỳ quan trọng đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.”

Hội đồng giải quyết tranh chấp của WTO đã ra phán quyết dựa trên đơn khiếu nại do Trung Quốc, Na Uy, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra (là các quốc gia không thuộc nhóm được miễn trừ khỏi biện pháp phòng vệ theo Mục 232).

Trung Đặng