Hiệp Định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – Những cam kết cơ bản và lưu ý cho doanh nghiệp

Ngày 22/5/2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Các cam kết cơ bản – Những lưu ý cho doanh nghiệp”. Hội thảo đã tập trung làm rõ một số nội dung cam kết cơ bản trong CPTPP và ý nghĩa chiến lược của CPTPP đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp.

23/05/2018 09:45

Ngày 22/5/2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Các cam kết cơ bản – Những lưu ý cho doanh nghiệp”. Hội thảo đã tập trung làm rõ một số nội dung cam kết cơ bản trong CPTPP và ý nghĩa chiến lược của CPTPP đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp.

Trình bày tại Hội nghị có Đại diện VCCI ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI và Đại diện bộ Công Thương Ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, cùng một số thành viên đoàn đàm phám.

Phiên thứ nhất của Hội thảo tập trung làm rõ một số nội dung cam kết chính trong CPTPP, trong đó lưu ý cam kết về thuế quan đối với hàng hoá trong CPTPP, cam kết về quy tắc xuất xứ đối với hàng hoá, cam kết về dịch vụ và đầu tư. Đối với cam kết về cắt giảm thuế, tương tự như TPP, trong CPTPP Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế nhập khẩu, 66% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, 86,5% về 0% sau 3 năm, 97,8% về 0% kể từ năm thứ 11, các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình tối đa sau 16 năm hoặ theo hạn ngạch thuế quan (mặt hàng sắt thép chủ yếu xoá bỏ thuế vào năm thứ 11). Đồng thời không áp dụng thuế xuất khẩu ngoại trừ một số mặt hàng nhạy cảm như xăng dầu… Đối với cam kết về quy tắc xuất xứ, có một số điểm mới so với các hiệp định trước như quy tắc xuất xứ cho mặt hàng được tái sản xuất lại (remanufactured goods); quy tắc cộng gộp toàn phần trong xác định xuất xứ; cho phép người xuất khẩu, người sản xuất và người nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ….Đối với cam kết về dịch vụ và đầu tư có những cam kết mang quyền bảo vệ cao hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Phiên thứ hai toạ đàm nội dung “CPTPP và khả năng tận dụng cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam”. Phần lớn các câu hỏi xoay quanh vấn đề về ý nghĩa của CPTPP đối với Việt Nam và Cộng đồng doanh nghiệp, làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ CPTPP cũng như đối phó với những thách thức phải đối mặt.

Hội thảo cơ bản đã giúp làm rõ thêm ý nghĩa chiến lược của CPTPP đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp. Mặc dù nền kinh tế lớn nhất là Mỹ không còn tham gia Hiệp định làm thay đổi cơ cấu lợi ích của các nước còn lại, tuy nhiên những lợi ích và cơ hội mà CPTPP mang lại vẫn hết sức lớn. Việc Việt Nam tham gia CTCPP tiếp tục tạo động lực thúc quá trình hội nhập mở cửa thị trường, phát triển đầu tư, mở rộng quan hệ tự do thương mại với nhiều nước hơn trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, CPTPP iúp củng cố nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong mắt cộng đồng kinh doanh, đầu tư quốc tế, khẳng định thông điệp của một nước đang quyết tâm duy trì một nền kinh tế thị trường mở, hấp dẫn đầu tư. Và một ý nghĩa quan trọng đó là việc tham gia CPTPP tiếp tục tạo động lực cho cải cách Chính phủ thực chất, toàn diện và hiệu quả theo luật chơi chung quốc tế.

Tuy nhiên, bênh cạnh những cơ hội mà CPTPP mang lại thì cũng đan xen những thách thức. Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi các nội dung hiệp định có liên quan đến ngành hàng của mình để tận dụng cơ hội mà CPTPP mang lại.

Dự kiến Chính phủ sẽ hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua Hiệp định vào kỳ họp tháng 10/2018. Nếu cuối năm 2018, chỉ cần 6 nước phê duyệt thì CPTPP sẽ có hiệu lực từ năm 2019.

Trước đó, ngày 08/03/2018 Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết tại Chile, hơn 2 năm sau khi TPP được ký kết và sau sự kiện Mỹ rút khỏi TPP. Hiệp định CPTPP giữ nguyên phần lớn các cam kết của TPP (trong gần 10.000 nghĩa vụ của TPP trước đây, hiệp định CPTPP chỉ tạm hoãn 20 nghĩa vụ và bỏ một số cam kết có liên quan của Mỹ), do đó CPTPP không phải là một Hiệp định mới hoàn toàn.