Giữa lúc giá quặng sắt tăng nóng, Trung Quốc vẫn làm giàu cho Australia mặc tranh chấp

Bất chấp xung đột địa chính trị, Trung Quốc vẫn đang làm giàu cho Australia thông qua việc nhập khẩu thêm hàng tỷ USD quặng sắt giữa thời điểm giá nguyên liệu luyện thép này tăng cao kỷ lục.

22/05/2021 11:17

Bất chấp xung đột địa chính trị, Trung Quốc vẫn đang làm giàu cho Australia thông qua việc nhập khẩu thêm hàng tỷ USD quặng sắt giữa thời điểm giá nguyên liệu luyện thép này tăng cao kỷ lục.

Trung Quốc đút tiền vào túi Australia giữa lúc giá quặng sắt neo cao

Theo đưa tin từ SCMP, trong năm vừa qua, chính phủ Australia có thể đã tạo thêm 37 tỷ AUD (tương đương 28,75 tỷ USD) doanh thu nhờ giá quặng sắt tăng phi mã.

Tuần trước, quặng sắt - nguyên liệu chính để luyện thép tại Trung Quốc, đã xô đổ mức đỉnh xác lập cách đây gần một thập kỷ (khoảng 200 USD/tấn) để leo lên mức cao mới là hơn 237 USD/tấn. Trước khi Bắc Kinh tung ra gói kích thích kinh tế trị giá khoảng 500 tỷ USD vào tháng 5/2020, giá quặng sắt chỉ dao động quanh mốc 80 USD/tấn.

SCMP dẫn lời các chuyên gia cho hay, nếu giá quặng sắt tăng 10 USD/tấn thì doanh thu của chính phủ Australia - dưới hình thức thuế doanh nghiệp và phí khai khoáng - sẽ tăng khoảng 2,5 tỷ USD; trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng năm của đất nước châu Đại Dương tăng khoảng 11 tỷ USD.

Chuyên gia phân tích hàng hóa Atilla Widnell của Navigate Commodities ước tính: "Bất chấp tranh chấp về chính trị, người Trung Quốc vẫn rót tiền vào túi chính quyền Canberra thông qua nhập khẩu quặng sắt của Australia. Bộ Tài chính Australia có thể thu thêm 34 - 37 tỷ USD nếu giá quặng sắt duy trì ổn định trên ngưỡng 200 USD/tấn".

Xuất khẩu quặng sắt của Australia tăng trưởng ổn định vì nhu cầu nguyên liệu thô để chế biến thép tại đại lục không ngừng tăng cao trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc muốn củng cố các lĩnh vực bất động sản và xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy kinh tế. Hiện tại, Australia là nước xuất khẩu quặng sắt lớn nhất sang Trung Quốc, chiếm khoảng 60%.

Ba trong 4 công ty xuất khẩu nhiều quặng sắt sang thị trường tỷ dân nhất đều là doanh nghiệp Australia, gồm BHP, Rio Tinto và Fortescue Metals Group. Các công ty này đóng thuế cho chính quyền Canberra cũng như đóng phí để có thể khai thác khoáng sản từ các khu đất của chính quyền liên bang và địa phương.

Chu kỳ bùng nổ mới của ngành khai khoáng Australia?

Doanh thu hiện tại của các công ty khai khoáng và chính phủ Australia đã vượt qua con số từng đạt được trong chu kỳ bùng nổ gần nhất của ngành khai thác quặng, vốn kết thúc vào năm 2013.

Ngoài giá quặng sắt cao ngất ngưởng, chi phí khai thác tại Australia hiện thấp hơn so với quá khứ và quy mô nhu cầu của Trung Quốc cũng lớn hơn, chuyên gia phân tích Widnell cho hay.

Theo nhà tư vấn Erik Hedborg của công ty thương mại CRU Group, doanh nghiệp khai khoáng ở Australia chỉ cần giá quặng sắt neo trên 50 USD/tấn là có thể hòa vốn cho khoảng 67% lượng quặng sắt mà họ xuất ra nước ngoài.

Một số công ty còn có thể xuất khẩu quặng sắt với giá thấp hơn, khoảng 30 USD/tấn. Như vậy, họ vẫn có thể hưởng lợi đến 180 USD cho mỗi tấn quặng sắt bán ra, ông Atilla Widnell lập luận.

Doanh thu từ xuất khẩu quặng sắt của doanh nghiệp và chính phủ Australia tăng lên lại đặt ra câu hỏi, liệu đất nước châu Đại Dương có đang ở giữa một chu kỳ bùng nổ về khai thác quặng hay không.

Theo SCMP, nhà kinh tế kì cựu người Úc Stephen Koukoulas đang nhìn thấy một số dấu hiệu tương tự chu kỳ bùng nổ trước. Ông Koukoulas nói: "Theo tôi, ngành khai thác quặng sắt tại Australia đang đứng trước một đợt bùng nổ mới, giá quặng cao, khối lượng xuất khẩu ổn định và hàng tháng chúng ta đều có thặng dư thương mại với nước ngoài".

"Và đương nhiên, phần lớn xuất khẩu quặng sắt của Australia đều hướng đến Trung Quốc, nền kinh tế mà chúng ta cũng đang ghi nhận thặng dư thương mại lớn", ông Koukoulas nói thêm.

Theo bài phát biểu năm 2010 của cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia Ric Battellino, "đặc điểm phân biệt một chu kỳ bùng nổ mới của ngành khai khoáng chính là sự gia tăng đáng kể trong đầu tư hoặc sản lượng khai thác, mà thường là cả hai. Chu kỳ này thường có ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô".

"Nhìn rộng hơn, chu kỳ mới thường được thúc đẩy bởi nhu cầu tài nguyên thiên nhiên của các nền kinh tế mới nổi, trong đó Trung Quốc là trọng tâm", ông Battellino cho hay.

Song, yếu tố giúp kéo dài chu kỳ bùng nổ trước chính là những khoản đầu tư vào các dự án khai thác mỏ mới. Năm nay, doanh nghiệp Australia không thực sự mặn mà rót vốn, đặc biệt là trước lo ngại về các chính sách giảm phát thải khí nhà kính dài hạn của Trung Quốc, nhà kinh tế cao cấp Marcel Thieliant của Capital Economics lưu ý.

"Chúng tôi nghi ngờ rằng đầu tư vào các dự án khai thác quặng có thể tăng nhẹ, do số liệu hiện nay vẫn nằm dưới mức đỉnh từng đạt được trong chu kỳ bùng nổ gần nhất", ông Thieliant thông tin.

"Tuy nhiên, các công ty khai khoáng có thể đã lưu tâm đến tham vọng giảm khí thải nhà kính từ ngành công nghiệp thép của chính quyền Bắc Kinh.

Hơn nữa, chúng tôi còn dự đoán là đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào lĩnh vực bất động sản sẽ chững lại khi chính quyền trung ương siết chặt các biện pháp tài chính với nhóm doanh nghiệp này. Do đó, giá quặng sắt có thể giảm xuống còn 140 USD/tấn vào cuối năm nay", ông Thieliant lập luận.