Giá thép xây dựng nội địa tiếp tục tăng trong tuần thứ 2 của năm 2023

Các nhà máy tăng giá thép xây dựng trước áp lực giá tăng mạnh của nguyên liệu đầu vào. Tuy nhiên sự điều chỉnh giá tại thị trường thép xây dựng Việt Nam được đánh giá là thận trọng do giá thép thành phẩm tăng chậm, giá nguyên liệu tăng nhanh.

12/01/2023 16:27

Sang tuần thứ 2 của tháng 1/2023, giá thép xây dựng nội địa tiếp tục tăng. Đối với những thương hiệu đã tăng giá thép cuộn từ tuần trước, tuần này tiếp tục tăng giá thép cây các loại với mức tăng phổ biến từ 100.000 – 200.000 đồng/tấn. Còn các doanh nghiệp chưa tăng giá trong tuần trước thì tuần này cũng điều chỉnh tăng giá đồng loạt cả thép cây và thép cuộn với mức tăng phổ biến từ 100.000 – 200.000 đồng/tấn.

12-1-2023-1

12-1-2023-2

Các bước điều chỉnh tăng giá thép xây dựng nội địa từ tháng 12/2022 cho tới nay được đánh giá là thận trọng trong bối cảnh tốc độ tăng giá của phôi thép và thép phế diễn ra nhanh và mạnh hơn nhiều. 

Đối với phôi thép nội địa, giá ghi nhận trên thị trường tại ngày 12/1/2023 đã tăng từ 400.000 – 450.000 đồng/tấn so với cuối tuần trước. Tính chung từ đầu tháng 1/2023 cho tới nay, giá phôi thép nội địa đã tăng khoảng 800.000 đồng/tấn. Giá chào phôi thép trung tần hiện phổ biến từ 13,8 – 13,85 triệu đồng/tấn, đây là giá bán tại kho bên bán, chưa bao gồm VAT và phí vận chuyển về bên mua. Mặc dù giá chào tăng liên tục nhưng giao dịch đang chậm lại. Người mua thận trọng do khoảng cách giữa giá thép xây dựng và phôi thép khá sát nhau.

12-1-2023-3

Nhìn chung, giá phôi thép đang có diễn biến tăng tại Châu Á, đồng thời các nhà máy trong khu vực cũng đang tìm cách thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh giá phôi đã tăng liên tục từ đầu tháng 12/2022 cho tới nay.

Theo S&P Global, giá phôi thép nhập khẩu vào Đông Nam Á ngày 12/1 quanh mức 585 USD/tấn CFR, tăng 20 USD/tấn so với tuần trước. Giá chào phôi 5SP (130x130) xuất khẩu của Việt Nam, Malaysia, Indonesia hiện đang cạnh tranh và cùng dao động từ 575 – 580 USD/tấn FOB, tăng khoảng 10 – 25 USD/tấn so với ngày 5/1 tùy theo nước xuất khẩu; giá chào phổ biến loại phôi này vào thị trường Philippine hiện đã lên mức 585 – 590 USD/tấn CFR Manila trong khi cuối tuần trước ở mức 565 USD/tấn CFR.

Đối với thép phế nội địa, giá thu mua tại một số khu vực trong tuần này đã tăng từ 200.000 – 500.000 đồng/tấn, chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung. Giá thép phế loại 1 tại khu vực phía Bắc hiện phổ biến từ 10,5 – 10,7 triệu đồng/tấn, phía Nam từ 9,2 – 9,5 triệu đồng/tấn, đây là giá chưa bao gồm VAT và giá giao tại kho bên mua. 

Việc cạnh tranh thu mua thép phế nội vẫn đang gây sức ép cho các nhà sản xuất mặc dù đang là thời điểm giáp Tết, trong khi đó giá thép phế giữa thị trường phía Nam và phía Bắc đang chênh tương đối, nên nhiều khả năng trong thời gian tới phía Nam cũng sẽ tăng giá để giảm thiểu việc hút thép phế về thị trường phía Bắc. 

12-1-2023-4

Bên cạnh đó, giá thép phế thị trường Châu Á cũng tiếp tục tăng trong tuần này. Theo S&P Global, giá thép phế HMS ½ 80:20 nhập khẩu Đông Á hiện ở mức 425 USD/tấn CFR, tăng 5,7% (tương đương tăng 23 USD/tấn) so với tuần trước. Tại thị trường Nhật Bản, giá thép phế H2 xuất khẩu tăng 1,8% so với tuần trước và ở mức 50.200 Yên/tấn FOB. Ngày 12/1, phiên đấu thầu xuất khẩu phế liệu Kanto định kỳ tháng 1 cũng diễn ra thành công với giá giao dịch trung bình là 50.923 Yên/tấn FAS, tăng khoảng 37 USD/tấn so với phiên trước đó. Ngay sau khi phiên đấu thầu Kanto kết thúc, Tokyo Steel đã điều chỉnh tăng giá thu mua phế liệu nội địa thêm khoảng 15 USD/tấn; thị trường dự đoán giá phế liệu xuất khẩu và nội địa của Nhật sẽ tăng trong thời gian tới.

Nhận định thị trường, do giá thép xây dựng đang chịu sức ép tăng giá từ phôi thép và thép phế nên nhiều khả năng giá sẽ tiếp tục đi lên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. 

Bên cạnh đó, thế giới đang chờ đợi những tác động tích cực từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Trung Quốc đến nay vẫn được coi là động lực tăng trưởng kinh tế lớn nhất thế giới. Việc mở cửa sẽ dần giải tỏa nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu trong bối cảnh các nền kinh tế phát triển đều đang tăng trưởng chậm lại do tăng lãi suất mạnh tay thời gian qua và chi phí năng lượng cao. Triển vọng tích cực càng được củng cố khi Chính phủ Trung Quốc chuyển sang chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mang tính thực dụng hơn, đồng thời có lập trường thông thoáng hơn với lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, phải hết Quý II/2023 việc mở cửa của Trung Quốc mới thực sự tác động đến kinh tế toàn cầu, khi đó ngành thép của các quốc gia khác trong đó có Việt Nam cũng đối diện với thách thức phải cạnh tranh với các doanh nghiệp thép Trung Quốc. 

Trần Hương