Giá thép xây dựng nội địa giảm lần thứ 2 trong tháng 10, dừng chính sách bảo lãnh giá

Sức ép tiêu thụ yếu và chậm của thị trường nội địa đã khiến giá thép xây dựng nội địa tiếp tục điều chỉnh giảm. Bên cạnh đó, diễn biến đi xuống của giá nguyên liệu đầu vào cũng là một trong những yếu tố để các nhà sản xuất điều chỉnh giá bán thép xây dựng.

12/10/2022 14:49

Thị trường thép xây dựng nội địa, ngày 12/10, các nhà sản xuất thép xây dựng điều chỉnh giảm giá bán thép cây 300.000 đồng/tấn, thép cuộn 200.000 đồng/tấn. Đây là đợt giảm giá lần thứ 2 trong tháng 10/2022. Tuy nhiên trong đợt điều chỉnh giá lần này, các nhà sản xuất cũng đồng thời thông báo dừng thực hiện chính sách bảo lãnh giá. Tín hiệu này cho thấy nhiều khả năng giá bán thép xây dựng sẽ ổn định hơn trong thời gian tới và khách hàng có thể tự tin nhập hàng.

12-10-2022-1

12-10-2022-2

Thách thức lớn với doanh nghiệp thép trong nước hiện nay chính là áp lực về sức tiêu thụ yếu và chậm của thị trường. Sự phục hồi của nhu cầu bị cản trở bởi áp lực từ diễn biến tăng lãi suất, các ngân hàng siết chặt tín dụng, thị trường bất động sản khó khăn kéo dài, tâm lý thận trọng của khách hàng trước các dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu. Đây được coi là nguyên nhân chính dẫn đến giá thép xây dựng đã quay đầu giảm giá sau thời gian tăng giá tương đối ngắn kéo dài từ cuối tháng 8/2022 tới giữa tháng 9/2022.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng tiêu thụ thép xây dựng tháng 9 tại thị trường nội địa của các thành viên VSA đạt gần 670.000 tấn, giảm 16,9% so với tháng 8/2022, trong đó tiêu thụ giảm mạnh 24% tại khu vực miền Nam, miền Trung giảm 22,2% và miền Bắc giảm 11%. Sang tháng 10, tiêu thụ của các nhà máy tiếp tục chậm, theo đánh giá của một số nhà thương mại thì tốc độ tiêu thụ bình quân từ đầu tháng 10 cho tới nay chỉ bằng gần 50% tốc độ tiêu thụ nửa cuối tháng 9/2022.

12-10-2022-3 Cũng theo VSA, lượng xuất khẩu thép xây dựng tháng 9/2022 sụt giảm mạnh 37,4% so với tháng 8/2022. Có thể thấy thép xây dựng cũng gặp tình trạng khó khăn chung với các hàng hóa xuất khẩu khác khi thị trường xuất khẩu đối mặt với thách thức bị thu hẹp do lạm phát tăng cao tại các thị trường lớn của Việt Nam, gây sụt giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước này.

Thị trường phôi thép nội địa, ngày 12/10 cũng ghi nhận giá chào phôi tiếp tục giảm trước diễn biến giảm giá của thép xây dựng với mức giảm từ 350.000 – 450.000 đồng/tấn so với 1 tuần trước đó. Theo một số nhà thương mại, giá chào phôi trung tần xuất xưởng hiện nay phổ biến từ 11,7 – 11,85 triệu đồng/tấn, giá chưa bao gồm VAT, thậm chí cũng đã xuất hiện những thông tin về chào giá thấp hơn mức 11,7 triệu đồng/tấn.

12-10-2022-4

Thị trường thép phế nội địa trong 1 tuần vừa qua cũng ghi nhận các thông báo điều chỉnh giảm giá thu mua thép phế của các doanh nghiệp thép. Tổng mức giảm giá thu mua thép phế từ ngày 5/10 – 12/10 của các nhà sản xuất phổ biến ở mức từ 400.000 – 600.000 đồng/tấn. Giá thép phế loại 1 phía Bắc hiện phổ biến từ 9,1 – 9,5 triệu đồng/tấn, phía Nam từ 8,7 – 8,8 triệu đồng/tấn.

12-10-2022-5

Nhìn chung, nhu cầu toàn cầu đang giảm là nguyên nhân khiến giá hàng hóa giảm theo trong đó có giá trên thị trường thép. Theo thăm dò của McKinsey thực hiện trong quý II/2022 cho thấy những rủi ro chính với nền kinh tế toàn cầu hiện nay là lạm phát, giá năng lượng, xung đột địa chính trị, lãi suất tăng, gián đoạn chuối cung ứng, thiếu hụt lao động và dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 đã lùi xa (trừ với Trung Quốc), lạm phát mới là lo ngại lớn nhất, tiếp đến là biến động giá năng lượng. Gián đoạn chuỗi cung ứng đã không còn là rủi ro quá lo ngại như trước đây.

Trần Hương