Giá thép vẫn tụt dốc

Chênh lệch cung cầu thép trong vài tháng qua đã tạo áp lực lớn lên giá nguyên vật liệu thô và các sản phẩm. Các nhà máy thép Trung Quốc có đơn hàng xuất khẩu rất thấp, chưa kể các đơn đã đặt bị hủy bỏ hoặc cắt giảm số lượng. Dự báo diễn biến khó khăn này có thể tiếp diễn trong vài tháng tới.

06/04/2020 21:29

Chênh lệch cung cầu thép trong vài tháng qua đã tạo áp lực lớn lên giá nguyên vật liệu thô và các sản phẩm. Các nhà máy thép Trung Quốc có đơn hàng xuất khẩu rất thấp, chưa kể các đơn đã đặt bị hủy bỏ hoặc cắt giảm số lượng. Dự báo diễn biến khó khăn này có thể tiếp diễn trong vài tháng tới.

Giá thép tại thị trường Trung Quốc giảm liên tục trong 10 ngày đầu tháng 3 trước khi các hoạt động giao dịch tăng trở lại. Các hợp đồng tương lai thép nhìn chung cũng nằm trong xu hướng giảm khi chứng kiến một số thị trường chứng khoán thế giới ngắt mạch trong các phiên giao dịch.

Chỉ số giá thép Trung Quốc từ đầu năm 2018. Nguồn: SteelHome

Hợp đồng tương lai thép thanh và hợp đồng tương lai thép cán nóng trên Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải đóng cửa ở mức 3.459 nhân dân tệ/tấn và 3.306 nhân dân tệ/tấn, giảm 124 và 71 nhân dân tệ so với cuối tháng 2.

Tại ngày 26/3, hàng tồn kho của 5 sản phẩm thép trên thị trường và các nhà máy đạt hơn 38 triệu tấn, giảm 8,3% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, có gần 13,3 triệu tấn thép tại các nhà máy và 24,7 triệu tấn ngoài thị trường, theo số liệu của SteelHome.

Tỉ lệ vận hành lò cao của các nhà máy thép lớn ở Trung Quốc là 84,03% (tính theo công suất), tăng 2,27 điểm phần trăm so với cuối tháng 2. Tỉ lệ hoạt động của các nhà máy lò điện hồ quang tăng 44,25 điểm phần trăm lên khoảng 63%.

Ngoài ra, các giao dịch hàng ngày của thép cây, thép cuộn cán nóng và thép tấm cỡ vừa đạt tương ứng 71.000 tấn, 20.000 tấn và 18.800 tấn, tương đương 88%, 91% và 89% mức giao dịch trung bình ngày trong năm 2019.

Tốc độ vận hành các lò cao có thể sẽ tăng hơn nữa trong tháng 4, sản lượng thép thô của Trung Quốc ước đạt 80 – 82 triệu tấn, tăng khoảng 10 triệu tấn so với tháng 3 nhưng giảm 2 – 4 triệu tấn so với cùng kì năm ngoái. Xuất khẩu thép Trung Quốc có thể tiếp tục gặp khó khăn và đạt khoảng 3 triệu tấn trong tháng 4, trong khi nhập khẩu ước đạt 1 triệu tấn.

Đồng thời, giá thép quốc tế vẫn nằm trong xu hướng giảm do nhu cầu hàng hóa này thu hẹp mạnh tại nhiều quốc gia. Đặc biệt ở các nước phát triển như châu Âu, Mỹ, nơi bùng phát COVID-19 khiến nền kinh tế hầu như bị đóng băng.

Theo một số nguồn tin, nhiều tổ chức trên thế giới buộc phải cho nhân viên nghỉ việc. Số lao động xin trợ cấp thất nghiệp mới nhất ở Mỹ đạt 3,28 triệu người và dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng cao.

Nguồn cung quặng sắt toàn cầu trở nên dư thừa khi nhiều nhà máy ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… có thể tạm ngừng hoặc giảm hoạt động trong thời gian dịch bệnh lây lan mạnh.

Trong khi đó, các nhà máy thép Trung Quốc có đơn hàng xuất khẩu rất thấp, chưa kể các đơn đã đặt bị hủy bỏ hoặc cắt giảm số lượng.

Điều tồi tệ hơn đó là các nhà máy thép công nghiệp có thể chuyển sang các sản phẩm thép xây dựng, tạo áp lực lớn cho thị trường thép xây dựng hiện nay. Với xu hướng giảm của giá thép quốc tế, Trung Quốc có thể là điểm đến lí tưởng cho các nhà xuất khẩu thép.

Diễn biến giá quặng sắt kể từ đầu năm 2020. Nguồn: Marketindex.com.au

Việc các nhà máy thép nước ngoài cắt giảm sản xuất cũng khiến giá quặng sắt biến động mạnh trong tháng. Tại ngày 24/3, giá quặng sắt 61,5% Fe đường biển ghi nhận 83,2 USD/tấn, tăng 0,2 USD/tấn so với cuối tháng 2.

Giá giao ngay khoảng 640 – 650 nhân dân tệ/tấn (90,6 – 91,5 USD/tấn), tăng 10 nhân dân tệ/tấn. Hợp đồng quặng sắt giao dịch nhiều nhất trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Đại Liên đóng cửa với mức 639,5 nhân dân tệ/tấn, tăng 23 nhân dân tệ/tấn.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nước này nhập khẩu 176,8 triệu tấn quặng sắt trong hai tháng đầu năm, tăng 2,5 triệu tấn (1,5%) so với cùng kì năm ngoái. Trong khi sản lượng quặng sắt giảm 4,6% còn hơn 111 triệu tấn, sản lượng gang tăng 3,1% lên 132,3 triệu tấn.

Lượng tồn kho quặng sắt tại 46 cảng chính của Trung Quốc đạt trên 123,7 triệu tấn tại ngày 19/3, giảm 3,2 triệu tấn so với cuối tháng 2. Giao dịch trung bình hàng ngày tăng nhẹ lên khoảng 2,9 triệu tấn.

Tại một số quốc gia như Brazil, Australia, xuất khẩu quặng tháng 2 đạt tương ứng 22,1 và 60,8 triệu tấn, giảm 23,6% và tăng 1,7% so với cùng kì năm ngoái. Tại ngày 22/3, lượng xuất khẩu tại hai quốc gia này giảm xuống còn 13,6 và 53,3 triệu tấn.