Giá thép chịu áp lực trong tháng 1, xuất khẩu thép Việt Nam giảm 38%

Dịch do virus corona (covid-19) diễn ra trước Tết Nguyên đán tác động phần nào đến cung - cầu thép toàn cầu. Giá thép chịu áp lực tại một số thị trường. Bên cạnh đó, các hoạt động bán hàng và xuất khẩu thép của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kì năm 2019.

19/02/2020 16:54

Dịch do virus corona (covid-19) diễn ra trước Tết Nguyên đán tác động phần nào đến cung - cầu thép toàn cầu. Giá thép chịu áp lực tại một số thị trường. Bên cạnh đó, các hoạt động bán hàng và xuất khẩu thép của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kì năm 2019.

Giá thép chịu áp lực trong tháng 1

Hoạt động trên thị trường thép Trung Quốc chậm lại trước kì nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sự xuất hiện của dịch do virus corona (covid-19) bùng phát tại Vũ Hán khiến thời gian nghỉ lễ kéo dài hơn dự kiến.

Điều này làm dấy lên sự lo lắng về tình hình kinh tế Trung Quốc nói chung và các hoạt động xây dựng nói riêng.

Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), thị trường Mỹ khá chật vật để theo kịp với sự tăng vọt của giá thép. Nhu cầu nhà ở tích cực hơn, tăng gần 17% so với tháng trước lên mức cao nhất trong 13 tháng, cho thấy hoạt động xây dựng mạnh mẽ.

Giá thép cán nóng (HRC) của Mỹ ổn định trên 600 USD/tấn nhưng các chào giá bị ràng buộc do thiếu hoạt động mua hàng. Giá HRC của Mỹ tăng 134,5 USD/tấn so với mức đáy trong tháng 10/2019. Kì vọng giá phế liệu giảm hơn trong tháng 2, tháng 3 và nhu cầu đi xuống cho thấy giá cuộn thép có thể chịu áp lực.

Hầu hết các nhà máy Trung Quốc chào giá cuộn SS400 ở mức 505 – 510 USD/tấn cho lô hàng tháng 3, trong khi một nhà máy ở phía bắc Trung Quốc chào giá 495 USD/tấn nhưng cho lô hàng tháng 4. Giá xuất khẩu cuộn cán nguội Trung Quốc cũng tăng theo chào giá của các nhà máy.

Tại Liên minh châu Âu 9EU), giá thép đang được hưởng lợi từ việc giảm sản lượng và nhu cầu hạ nguồn dồn nén trong lĩnh vực xây dựng, ô tô.

Xuất khẩu thép Việt Nam giảm 38%

Sản lượng thép thô của Việt Nam trong tháng 1 đạt hơn 1,6 triệu tấn, giảm 22,3% so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, bán hàng đạt gần 1,4 triệu tấn, giảm trên 30% so với cùng kì, xuất khẩu thép giảm 38% còn 283.134 tấn, theo thông tin từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA).

Nhập khẩu sắt thép Việt Nam trong tháng 1. Đơn vị: tấn. Nguồn: Đan Thanh tổng hợp từ Tổng cục Hải quan

Việt Nam nhập khẩu hơn 940.000 tấn sắt thép các loại trong tháng 1, trị giá khoảng 567 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu hơn 460.000 tấn sắt thép các loại, trị giá khoảng 247 triệu USD.

Xuất khẩu sắt thép Việt Nam trong tháng 1. Đơn vị: tấn. Nguồn: Đan Thanh tổng hợp từ Tổng cục Hải quan

Theo VSA, nhập khẩu sắt thép các loại năm 2019 tăng 7,6% về lượng nhưng giảm 3,9% về kim ngạch so với năm 2018, đạt 14,5 triệu tấn, trị giá 9,51 tỉ USD.

Nhập khẩu thép từ Trung Quốc – thị trường lớn nhất, giảm 18% về lượng, giảm 26,6% về kim ngạch và giảm 10,5% về giá so với năm 2018, đạt 5,14 triệu tấn, tương đương 3,3 tỉ USD.

Năm 2019, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam tăng 6,6% về lượng nhưng giảm 7,4% về kim ngạch và giảm 13,2% về giá so với năm 2018, đạt 6,7 triệu tấn, giá trị 4,2 tỉ USD.

Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang các nước Đông Nam Á, chiếm 62,5% trong tổng lượng sắt thép xuất khẩu của cả nước và gần 60% trong tổng kim ngạch, đạt 4,17 triệu tấn, giá trị 2,52 tỉ USD.