EU gia hạn thuế chống bán phá giá đối với thép Trung Quốc
07/08/2020 11:18
Ủy ban châu Âu (EC) thông báo gia hạn thuế chống bán phá giá đối với thép chống ăn mòn của Trung Quốc để ngăn chặn các nhà sản xuất lách luật bằng cách sửa đổi một chút về thành phần nguyên liệu.
Theo thông báo ngày 5/8, EC sẽ gia hạn áp thuế đối với các sản phẩm thép chống ăn mòn được sửa đổi bằng cách mạ hoặc phủ bằng magiê, hợp kim với silicon, xử lý bề mặt bổ sung hoặc với thành phần được biến đổi nhẹ. Quyết định của EC dự kiến được áp dụng đối với tất cả các nhà xuất khẩu Trung Quốc, trừ một công ty được giấu tên.
Liên minh châu Âu (EU) đã áp thuế vào tháng 2/2018 từ 17,2% đến 27,9% đối với một số loại thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm đối phó với mức giá bị họ cho là thấp một cách không công bằng.
EC cho biết các biện pháp chống bán phá giá này đã khiến nhập khẩu các sản phẩm liên quan giảm về gần như bằng 0, nhưng đồng thời nhập khẩu các sản phẩm chống ăn mòn khác lại tăng lên tới khoảng 1 triệu tấn. EC đã khởi động một cuộc điều tra về vấn đề này vào tháng 11/2019.
Trung Quốc bày tỏ lo ngại về những gì họ cho là sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ sau khi các cơ quan quản lý của EU áp thuế mới đối với thép nhập khẩu từ quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới.
Tiêu thụ thép tại EU trong quý I/2020 đã giảm 12% so với cùng kỳ bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến cho bức tranh kinh tế vốn đã ảm đạm càng trở nên trầm trọng hơn. Cuộc khủng hoảng y tế có khả năng sẽ gây tác động lớn hơn trong quý II vì các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội chỉ được khởi động trong tháng cuối cùng của quý.
Vào tháng Sáu, Hiệp hội thép châu Âu (Eurofer) ước tính nhu cầu thép đã giảm khoảng 50% kể từ tháng Ba do các ngành công nghiệp như sản xuất ô tô phải ngừng hoạt động.
Tổng giám đốc của Eurofer, Axel Eggert, cho biết đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp thép châu Âu, gây thiệt hại nặng nề cho toàn ngành và các chuỗi giá trị của nó.
Ngành thép châu Âu đã phải đối mặt với những điều kiện khó khăn trong năm ngoái do sự suy thoái trong lĩnh vực sản xuất của khối, căng thẳng thương mại Mỹ -Trung và sự không chắc chắn về việc Anh rời khỏi EU./.