Doanh nghiệp xuất khẩu thép cần làm gì để phòng tránh rủi ro?
20/09/2018 14:51
Ngành thép đang phải đối mặt với những vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài, trong khi sản xuất trong nước “cung” đang lớn hơn “cầu”. Trước thực trạng đó, doanh nghiệp (DN) thép cần làm gì để nâng cao sức cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu?
Đó là một trong những vấn đề được TS. Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam chia sẻ, giải đáp trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN.
PV: Xin ông cho biết tình hình xuất nhập khẩu sắt thép của Việt Nam, từ đầu năm đến nay?
TS. Nguyễn Văn Sưa: Ngành thép đang đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại ở nước ngoài, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và EU, ngay cả trong khối ASEAN như Indonesia, Thái Lan, Malaysia... Nhưng nhìn chung, tình hình xuất nhập khẩu thép 8 tháng năm 2018 đã đạt kết quả khả quan.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu sắt thép các loại 8 tháng năm 2018 đạt 9,29 triệu tấn, trị giá 6,72 tỷ USD, giảm 10,6% về lượng nhưng tăng 11% về trị giá (so với cùng kỳ năm 2017).
Mặc dù có nhiều vụ kiện thương mại, 8 tháng năm 2018, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 4,05 triệu tấn, trị giá 2,99 tỷ USD, tăng 41,3% về lượng và tăng 58,4% về trị giá. Dự kiến cả năm xuất khẩu trên 5 triệu tấn.
Nhập khẩu thép giảm là một tín hiệu đáng mừng. Những năm trước đây, ngành thép nhập khẩu một lượng khá lớn thép thành phẩm và thép bán thành phẩm về phục vụ cho sản xuất và tiêu thụ trong nước. Từ năm 2017, ngành thép đã sản xuất được thép cuộn cán nóng làm nguyên liệu đầu vào cho cán nguội và sản xuất các loại sản phẩm như thép hàn, tôn mạ... Do đã tự túc được nguồn nguyên liệu, nên nhập khẩu hàng năm giảm dần và dự báo năm 2018 tiếp tục giảm.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn cung trong nước đang dư thừa, vậy việc nhập khẩu sắt thép kể trên có ảnh hưởng đến cạnh tranh của thị trường trong nước, thưa ông?
TS. Nguyễn Văn Sưa: Hiện trong nước đang nhập khẩu phần lớn sản phẩm thép mà ta chưa sản xuất được, như thép không gỉ, thép hợp kim, thép cuộn cán nóng... hay những sản phẩm thép trong nước đã sản xuất được, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Hàng năm nước ta sử dụng 9 - 10 triệu tấn thép cuộn cán nóng. Năm 2017 các DN trong nước mới sản xuất được gần 1,4 triệu tấn, dự kiến năm 2018 sản xuất được hơn 3 triệu tấn. Như vậy là còn thiếu rất nhiều và chúng ta tiếp tục phải nhập khẩu sản phẩm này.
Ngoài ra, bên cạnh các loại thép Việt Nam phải nhập, có những loại thép DN trong nước đã sản xuất được. Tuy nhiên, trong quá trình giao thương, có những DN thương mại thấy nhập khẩu đem lại lợi nhuận thì tìm cách nhập về, trên cơ sở quy định của pháp luật. Nhưng cũng có những trường hợp DN lợi dụng kẽ hở của pháp luật, lách luật nhằm thu lợi nhuận.
Bên cạnh khả năng cung ứng các sản phẩm thép của ngành thép Việt Nam, có thể nói việc nhập khẩu thép như vậy là do nhu cầu trong nước và một số DN thương mại nhập về vì mục tiêu lợi nhuận.
Vì vậy, các sản phẩm thép trong nước sản xuất được, nhưng các DN vẫn nhập khẩu về sẽ tạo ra sự cạnh tranh với các sản phẩm thép sản xuất trong nước, tạo ra sự cạnh tranh không cần thiết.
Trong khi đó, dây chuyền sản xuất thép trong nước vẫn chưa hoạt động hết công suất, chỉ đạt khoảng 70 - 80%, nguồn cung trong nước đang lớn hơn cầu và các DN trong nước đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu.
PV: Trong khi “cung” đang lớn hơn “cầu” và gần đây xuất khẩu thép Việt Nam bị nhiều nước khởi kiện. Vậy theo ông Nhà nước cần có biện pháp gì để hỗ trợ DN thép nâng cao sức cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu?
TS. Nguyễn Văn Sưa: Nói về sức cạnh tranh là khái niệm rộng. Nội dung của cạnh tranh gồm giá cả, chất lượng, dịch vụ sau bán hàng và một số chính sách khác. Có thể nói sức cạnh tranh của các DN thép nước ta những năm gần đây được coi là khá. Nếu so sánh với một số nước, đặt biệt với Trung Quốc, ngành thép Việt Nam vẫn còn những hạn chế.
Vì vậy, để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thép Việt và đẩy mạnh xuất khẩu, Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản, phí và thuế hợp lý. Cùng với đó, hỗ trợ nguồn vốn hoặc chính sách để DN đổi mới cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.
Để đẩy mạnh xuất khẩu, Nhà nước hỗ trợ các DN thép nói riêng và ngành thép nói chung về tìm hiểu thị trường quốc tế, trên mạng lưới hệ thống thương vụ của Việt Nam ở các nước, cung cấp đầy đủ tin tức thị trường và luật pháp các nước sở tại. Trên cơ sở đó, DN có những kế hoạch phát triển thị trường phù hợp, để tránh được những vụ kiện phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam.
PV: Ông có kiến nghị gì để thị trường thép Việt Nam tránh bị dư thừa nguồn cung và các DN xuất khẩu thép tránh được những rủi ro?
TS. Nguyễn Văn Sưa: Theo tôi, để tránh dư thừa, các DN khi đầu tư cần nghiên cứu kỹ thị trường thép Việt Nam, hiện tại cũng như thời gian tới. Trong đó, nhu cầu thép dự báo dựa trên cơ sở phát triển của nền kinh tế, cụ thể những ngành sử dụng nhiều thép như ngành xây dựng, sản xuất ô tô, đóng tàu... Trên cơ sở chiến lược, quy hoạch phát triển của ngành đó, để đưa ra dự báo nhu cầu của ngành thép. Trên cơ sở đó, DN có kế hoạch đầu tư cho hợp lý và tránh dư thừa, đặc biệt hiện tượng dư thừa thép đang xảy ra trên thế giới.
DN thép xuất khẩu muốn tránh được rủi ro, tôi cho rằng, các DN phải nâng cao hiểu biết về thương mại quốc tế. Nắm được quy định quốc tế về xuất khẩu hàng, luật pháp của các nước. DN không nên tập trung quá nhiều vào một số thị trường, tạo nên sự tăng trưởng đột biến trong xuất khẩu ở thị trường đó, để làm cớ cho nước bạn khởi kiện.
Ngoài ra, các DN thép xuất khẩu cũng nên có những định hướng phân bổ thị trường, tránh tập trung một thị trường truyền thống hoặc đang nổi.
PV: Xin cảm ơn ông!