Doanh nghiệp thép tìm đường thoát khó

Với kết quả kinh doanh 2019 sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ nặng, nhiều doanh nghiệp ngành thép đang nỗ lực để thoát khó trong năm 2020.

14/02/2020 08:14

Với kết quả kinh doanh 2019 sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ nặng, nhiều doanh nghiệp ngành thép đang nỗ lực để thoát khó trong năm 2020.

Nhiều doanh nghiệp thép báo lỗ năm 2019

Kết thúc năm 2019, CTCP Thép Dana - Ý (DNY) ghi nhận lỗ tới hơn 313 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với số lỗ năm 2018 là 68 tỷ đồng và vượt cả vốn điều lệ hiện tại là 270 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do DNY vẫn đang tạm dừng sản xuất. Cả năm, DNY chỉ đạt vỏn vẹn 21 tỷ đồng doanh thu.

Lãnh đạo DNY cho biết, việc tiếp tục tạm dừng sản xuất để thực hiện quyết định xử phạt hành chính (ngày 22/11/2018), trong đó có nội dung do không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án “Đầu tư dây chuyền luyện thép 200.000 tấn/năm và dây chuyền cán thép 200.000 tấn/năm” với số tiền 300 triệu đồng và xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động sản xuất của Công ty trong thời hạn 6 tháng để khắc phục vi phạm.

Tình trạng lỗ nặng cũng diễn ra tại CTCP Thép Pomina (POM). Cụ thể, năm 2019, POM ghi nhận doanh thu 12.212 tỷ đồng, nhưng lỗ hơn 302 tỷ đồng. POM cho biết, năm qua, một nhà máy phải ngưng sản xuất do sự cố thiết bị, dẫn đến sản lượng bán ra giảm, trong khi giá vốn bán hàng cao, chi phí lãi vay lớn… khiến Công ty chịu lỗ.

CTCP Thép Việt Ý (VIS) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2019 với doanh thu giảm 25% và lỗ sau thuế 65 tỷ đồng. VIS cũng đã thua lỗ 2 năm liên tiếp trước đó.

Không lỗ, song kết quả kinh doanh năm 2019 của CTCP thép Nam Kim (NKG) ghi nhận sự sụt giảm mạnh.

Cụ thể, NKG đạt doanh thu thuần 12.177 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 47,3 tỷ đồng, giảm lần lượt 17,8% và 17,5% so với năm 2018, đồng thời thấp hơn nhiều kế hoạch đề ra (15.500 tỷ đồng doanh thu và 295 tỷ đồng lãi ròng).

Tìm đường vượt khó

Thị trường thép năm 2020 được dự báo sẽ còn nhiều biến động về giá và khả năng tiêu thụ do triển vọng ngành chưa nhiều khả quan.

Theo SSI Research, sản lượng tiêu thụ thép khó có thể phục hồi mạnh. Tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của ngành ước tính tiếp tục duy trì ở mức thấp 5-7% do thị trường bất động sản chững lại, đi kèm với việc chậm trễ trong tiến độ đầu tư công.

Trong bối cảnh không nhiều thuận lợi, các doanh nghiệp thép đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, mở rộng dư địa tăng trưởng.

Đơn cử, tại DNY, lãnh đạo Công ty cho biết, TP. Đà Nẵng đã có chủ trương di dời một phần hoạt động sản xuất, di dời các xưởng cán thép vào hoạt động tại Khu công nghiệp Hòa Khánh để phục hồi sản xuất. Công ty cũng đang chuẩn bị cho công tác đầu tư.

Với NKG, để giảm áp lực khó khăn, Công ty đang tập trung giảm hàng tồn kho, đồng thời kiểm soát tốt chi phí bán hàng, chi phí tài chính...

Năm 2020, NKG đã chuẩn bị cho dự án mới khi thành lập công ty con và nhà máy ống thép mới. Nhà máy dự kiến có tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng và tổng công suất 150.000 tấn/năm được đặt tại Khu công nghiệp Hậu Cần (Cảng Tam Hiệp, Quảng Nam).

NKG vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc, bán vốn tại một số mảng đã đầu tư. Trước đó, NKG đã hoàn tất việc bán một số nhà máy, chẳng hạn bán Nhà máy Nam Kim 1 cho Công ty sứ Minh Long.

Tại POM, doanh nghiệp này đang dồn lực triển khai 2 dự án mới là dự án lò cao và tôn dự kiến đi vào hoạt động từ quý II/2019.

Được biết, dự án lò cao được áp dụng công nghệ mới sẽ là giải pháp để giảm chi phí sản xuất và giúp POM linh hoạt hơn trong sử dụng các nguyện liệu đầu vào. Bên cạnh đó, sự cố tại nhà máy nêu trên cũng đã được khắc phục và bắt đầu sản xuất lại từ đầu tháng 10/2019.

Với Tập đoàn Hòa Phát (HPG), doanh nghiệp này kỳ vọng năm 2020 vẫn sẽ khởi sắc, cho dù ghi nhận sự sụt giảm về sản lượng tiêu thụ trong tháng 1/2020 (giảm 29% so với cùng kỳ 2019).

Đại diện HPG cho biết, trong năm nay, Công ty đặt mục tiêu xuất khẩu 400.000 tấn thép xây dựng, xuất khẩu 30.000 tấn ống thép, tôn, tương ứng mức tăng trưởng 20% so với năm 2019. Sản phẩm thép cuộn chất lượng cao của Công ty cũng sẽ được tăng cường xuất khẩu.

Một trong những lợi thế của HPG là cảng biển Hòa Phát Dung Quất có khả năng đón tàu 200.000 tấn đang được gấp rút hoàn thành, khi vào hoạt động sẽ giúp Công ty tối ưu hóa bài toán logistic, cũng như thuận lợi hơn trong xuất hàng thành phẩm từ khu liên hợp tới các thị trường trong nước và xuất khẩu.

Về thị trường tiêu thụ trong nước, Hòa Phát đang đẩy mạnh mở rộng thị trường phía Nam.

Trong tháng 1/2020, sản lượng tiêu thụ thép tại thị trường này tăng 41%, trong đó thép cuộn chất lượng cao đang được tiêu thụ mạnh.