Doanh nghiệp nội, ngoại tăng đầu tư dự án thép tiền chế
14/01/2019 10:07
Xu hướng sử dụng thép tiền chế trong các công trình dân dụng ngày càng gia tăng là cơ sở để nhiều doanh nghiệp nội, ngoại tăng đầu tư, mở rộng các nhà máy sản xuất.
Nhu cầu thép tiền chế gia tăng
Ông Huỳnh Ngọc Đông, Chủ tịch Công ty cổ phần Kết cấu thép ATAD cho biết, giai đoạn II Nhà máy Kết cấu thép tại Khu công nghiệp Long Khánh (Đồng Nai) của ATAD với vốn đầu tư 5 triệu USD, diện tích 15 ha đang được khẩn trương xây dựng.
Trước đó, giai đoạn I của Nhà máy với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, công suất 8.500 tấn/tháng đã được Công ty ATAD đưa vào hoạt động từ tháng 12/2017. Nhà máy được đầu tư với công nghệ hiện đại và là dự án của doanh nghiệp Việt có quy mô thuộc loại lớn nhất trong ngành kết cấu thép.
Cũng theo đại diện ATAD, ngoài các ứng dụng cho nhà thép tiền chế, nhà xưởng, nhà kho, sản phẩm của nhà máy này còn cung cấp cho các dự án dân dụng và thương mại như nhà cao tầng, trung tâm thương mại, trung tâm triển lãm, siêu thị, nhà ga, sân bay…
Cuối năm 2018, Công ty Nhà thép PEB (PEB Steel), một trong những thương hiệu sản xuất thép tiền chế đến từ châu Âu, đã trở thành nhà cung cấp kết cấu thép cho Tổ hợp Nhà máy sản xuất ô tô VinFast.
Để đáp ứng yêu cầu về sản phẩm và tiến độ cho dự án có quy mô lớn này, ông Sami Kteily, Chủ tịch Hội đồng Thành viên PEB Steel cho biết, các nhà máy đã phải hoạt động với công suất 150% so với thiết kế, làm việc 2 ca trong ngày, liên tục trong 5 tháng.
Đến nay, PEB Steel có 8 nhà máy sản xuất thép tiền chế và kết cấu thép, trong đó có 6 nhà máy hiện đại tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; 1 nhà máy mới tại Yangon (Myanmar) và 1 nhà máy liên doanh tại Ấn Độ với tổng công suất đạt 120.000 tấn kết cấu thép mỗi năm.
Đánh giá tiềm năng phát triển của ngành thép tiền chế, ông Joseph Mathew, Tổng giám đốc Công ty Kirby Việt Nam, một nhà sản xuất thép tiền chế đến từ Trung Đông nhìn nhận, Việt Nam đang có nền sản xuất công nghiệp phát triển mạnh, do đó, nhu cầu về thép tiền chế sẽ ngày càng gia tăng.
Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2017 mức tăng trưởng của thị trường thép tiền chế tại Việt Nam là 15 - 17% /năm. Với ưu thế của nhà thép tiền chế là chi phí bảo dưỡng thấp và dễ dàng mở rộng trong tương lai, nên hiện nay có hơn 70% nhà xưởng công nghiệp tại Việt Nam sử dụng sản phẩm này.
Được biết, Công ty Kirby hiện có nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (Đồng Nai) và 4 nhà máy khác tại khu vực châu Á, Trung Đông với tổng công suất lên đến 400.000 tấn/năm.
Tăng đầu tư, đón cơ hội
Khảo sát của Công ty Reed Tradex (Thái Lan) cho thấy, Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất của khu vực Đông Nam Á, đi cùng nhu cầu lớn về thép tiền chế. Bên cạnh việc đáp ứng cho nhu cầu của các nhà sản xuất, xu hướng sử dụng nhà thép tiền chế cho các công trình dân dụng cũng đang tăng lên đáng kể.
Ngoài chi phí thấp và tính tiện lợi, nhà thép tiền chế cũng tạo được sự sang trọng cho một ngôi nhà hoặc cao ốc, văn phòng. Nhiều cao ốc, văn phòng hiện đã sử dụng khung thép và kính xây dựng như một giải pháp tối ưu.
Đó là lý do mà thời gian qua, Công ty ATAD đã trở thành đối tác cung cấp sản phẩm cho Dự án Trung tâm hội nghị The Adora Center (quận Tân Bình, TP.HCM) có diện tích sàn lên tới 10.000 m2; Dự án Khu căn hộ Kenton (quận 7, TP.HCM) với sản lượng cung cấp lên tới 400 tấn; hoặc làm tổng thầu Dự án Trưng bày, bán sản phẩm của hãng Ford tại TP. Cần Thơ…
Trong khi đó, gần đây, PEB Steel đã thực hiện nhiều dự án áp dụng nhà thép tiền chế cho các công trình dân dụng như kết cấu thép trên đỉnh tháp tòa nhà Vietcombank, tòa nhà văn phòng và trưng bày sản phẩm Malloca, trung tâm thương mại Aeon…
“Sử dụng thép tiền chế cho các công trình dân dụng sẽ là xu thế xây dựng mới được áp dụng rộng rãi trong thời gian tới”, đại diện của PEB Steel nói, đồng thời cho biết, Công ty PEB Steel đang có kế hoạch hợp tác với một số đối tác uy tín như Nippont Steel (Nhật Bản), Posco (Hàn Quốc)... với mục đích đầu tư những nhà máy tiếp theo, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thép tiền chế đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam.