Doanh nghiệp Nhà nước tăng tốc thoái vốn ngoài ngành
12/10/2014 05:42
(Chinhphu.vn) - Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN Đặng Quyết Tiến (Bộ Tài chính) cho biết qua 9 tháng năm 2014, tiến độ thoái vốn của các DNNN đã tăng gấp 3-3,5 lần so với năm trước.
Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, tính đến cuối tháng 9/2014, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái 3.488 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành. Tính chung số vốn đã thoái trong năm 2013 và 9 tháng đầu năm 2014 đạt 4.453 tỷ đồng trên hơn 21.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành...
Nguyên nhân chủ yếu khiến tiến độ thoái vốn của các DNNN, tập đoàn, tổng công ty chưa đạt mục tiêu do thị trường còn nhiều khó khăn, khiến các DN khó tìm được khách hàng đủ điều kiện tiến hành bán cổ phần. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại trách nhiệm khi mua vào giá cao, nhưng bán ra giá thấp và công tác tổ chức thực hiện của các DNNN, tập đoàn, tổng công ty chưa phù hợp.
Là lĩnh vực được Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên có những cuộc họp bàn với Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN nhằm đưa ra những cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho quá trình thoái vốn của DN như việc ban hành Nghị quyết số 15/NQ-CP và Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN.
Với Quyết định số 51, một số điểm nghẽn trong công tác thoái vốn, cổ phần hóa đã được tháo gỡ. Cụ thể, việc thoái vốn dưới mệnh giá/giá trị sổ sách đã bắt đầu được chấp thuận với điều kiện dựa trên nguyên tắc hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn Nhà nước ở mức cao nhất, đồng thời phải trích lập bổ sung cho đủ dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính.
Đối với việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng thương mại tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, có thể giao lại Ngân hàng Nhà nước mua lại hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu.
Quyết định cũng quy định mức điều chỉnh giảm giá bán tối đa để các DN chủ động trong quá trình thoái vốn.
Trong trường hợp cổ phần không bán được/không bán hết, Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thực hiện mua cổ phần với giá bằng mệnh giá hoặc tại giá đấu thành công thấp nhất (mua ngay sau khi bán đấu giá) hoặc tại giá thỏa thuận thành công thấp nhất (trường hợp bán thỏa thuận không hết).
Ông Đặng Quyết Tiến khẳng định khi nút thắt thể chế đã được hóa giải, vấn đề là tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện cho hiệu quả./.