Đầu tư công nghệ: Giải pháp bền vững cho ngành thép
03/12/2018 09:10
Cùng với sự thay đổi của nền kinh tế trong và ngoài nước, chính sách phòng vệ thương mại (PVTM) vừa là thách thức vừa là cơ hội để DN ngành thép phát triển, vươn lên mạnh mẽ bằng việc tập trung công nghệ sản xuất, nguồn nguyên liệu, tiết kiệm chi phí, giá thành…
Thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu (XK) sắt thép của Việt Nam 10 tháng đầu năm 2018 tăng 38,2% về lượng và tăng 53% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 5,24 triệu tấn, trị giá 3,84 tỷ USD. Riêng tháng 10/2018, sản lượng sắt thép XK đạt 654.330 tấn, tương đương 453,25 triệu USD, tăng mạnh 35,8% về lượng và tăng 39,9% về kim ngạch so với tháng 10/2017.
Đáng chú ý, xét về mức tăng trưởng XK sắt thép 10 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái thì thấy gần như toàn bộ các thị trường đều tăng mạnh. Đến nay, giá trị XK 10 tháng đã vượt 200 triệu USD so với mức thực hiện cả năm 2017.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) - đây là những thông tin đáng mừng bởi các DN trong nước đã có sự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào… nên đã hạn chế các kết quả tác động bất lợi từ PVTM.
Thực tế cho thấy, những đơn vị có lãi tăng cao là đơn vị hoàn thiện chuỗi giá trị, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, cải thiện biên lợi nhuận gộp. Đơn cử, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) là DN có doanh thu và lợi nhuận quý II/2018, tăng lần lượt 34% và 43% so với cùng kỳ năm trước. Cuối năm 2017, đơn vị này đã đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất thép dự ứng lực chất lượng cao đầu tiên của Việt Nam tại Khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi). Dự án tập trung sản xuất các sản phẩm cao cấp có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sưa, ngành thép Việt Nam vẫn còn đang lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu do quy trình sản xuất trong nước chưa đồng bộ, năng lực sản xuất thép cơ khí chế tạo gần như chưa có; nhiều sản phẩm nguyên vật liệu đầu vào như thép cuộn cán nóng, phôi… vẫn chưa tự sản xuất được, phải nhập khẩu, làm chậm quá trình sản xuất cũng như tăng gánh nặng chi phí.
Do đó, những năm gần đây, thép Việt dù tăng trưởng nhanh nhưng vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ để tham gia "cuộc chơi" toàn cầu, cạnh tranh với thép ngoại và vẫn chủ yếu dựa vào yếu tố giá thành sản xuất.
Nhiều chuyên gia nhận định, thời gian tới, áp lực cạnh tranh đối với các DN thép Việt Nam sẽ ngày càng lớn. Để tiếp tục tồn tại và phát triển, cần không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh. Những DN hoàn thiện được chuỗi giá trị sẽ bật lên mạnh mẽ, chống chịu rủi ro tốt hơn so với các DN thương mại hoặc gia công thép đơn thuần.
Ông Võ Nguyễn Tuấn Khoa - Giám đốc nghiệp vụ Quỹ Đầu tư Dragon Capital: Thời gian tới, sẽ có sự phân hóa trong ngành thép. DN sản xuất lớn như: Hòa Phát, Thép Việt Đức… sẽ được hưởng lợi mạnh mẽ trong khi những DN nhỏ sẽ gặp khó khăn khi các thị trường gia tăng áp dụng chính sách PVTM với thép nhập khẩu.