Cảnh báo gian lận thép không gỉ nhập khẩu
06/07/2017 16:43
Tình hình gian lận thương mại liên quan đến mặt hàng thép không gỉ nhập khẩu đang có những diễn biến phức tạp, nhất là sau khi nước ta áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Lắm chiêu!
Ngày 5/9/2014, Bộ Công Thương có Quyết định số 7896/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội, ở dạng cuộn hoặc tấm với độ dày nhỏ hơn hoặc bằng 3,5mm, được ủ hoặc được xử lý nhiệt bằng phương pháp khác và ngâm hoặc được cạo gỉ để loại bỏ tạp chất dư thừa trên bề mặt của thép không gỉ. Những sản phẩm này có thể được tiếp tục xử lý (được cắt hoặc được xẻ) với điều kiện là quá trình đó không làm thay đổi các đặc điểm kỹ thuật của sản phẩm. Các sản phẩm này thuộc các mã HS: 7219.32.00; 7219.33.00; 7219.34.00; 7219.35.00; 7219.90.00; 7220.20.10; 7220.20.90; 7220.90.10; 7220.90.90 được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ: Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Indonesia, Malaysia và lãnh thổ Đài Loan.
Tiếp theo, ngày 29/4/2016, Bộ Công Thương có Quyết định số 1656/QĐ-BCT tiếp tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng này nhập khẩu vào Việt Nam .
Sau khi nước ta áp dụng biện pháp chống bán phá giá thì tình trạng gian lận thương mại trong việc nhập khẩu thép đã tăng lên. Gần đây nhất, Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan TP.HCM) phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 (Cục Hải quan TP HCM), Chi cục Hải quan Biên Hòa (Cục Hải quan Đồng Nai) và Công an TP.HCM bắt giữ hơn 6.307 tấn thép, tổng trị giá gần 3 triệu USD nhập khẩu sai khai báo hải quan để trốn thuế qua cảng Bến Nghé, TP HCM.
“Chiêu” gian lận được sử dụng trong vụ việc này là, khi nhập khẩu thép không gỉ thành phẩm cán nguội (đối tượng bị áp thuế chống bán phá giá) các doanh nghiệp khai báo dưới dạng FullHard (thép không gỉ cán nguội ở dạng cuộn hoặc ở dạng tấm nhưng không được ủ hoặc xử lý nhiệt). Lý do khai như vậy vì quyết định của Bộ Công Thương loại trừ mặt hàng này và nếu không có kinh nghiệm thì không thể phân biệt thép được ủ hay không hoặc đã được xử lý nhiệt hay không.
Mặt khác, doanh nghiệp khai thép không gỉ cán nguội thành thép không gỉ cán nóng; đồng thời khai sai xuất xứ nhập khẩu, cụ thể, thép không gỉ từ Trung Quốc được chuyển sang xuất xứ Hàn Quốc hoặc những quốc gia khác không bị áp thuế chống bán phá giá để lẩn tránh xuất xứ nên chỉ bị áp thuế suất nhập khẩu thép không gỉ cán nguội 10% và trốn thuế chống bán phá giá từ 17% đến 25%.
Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm còn có hành vi khai báo khác chủng loại. Ví dụ từ thép Inox 304 (thành phần chứa 18% Crom và 8% Nikel giá hiện nay khoảng 2.000USD/tấn) sang thép Inox 204CU (thành phần chứa 13% Crom và 1% Nikel giá hiện nay khoảng 1.100 USD/tấn) hay 430 (thành phần chứa 16% Crom và 0% Nikel giá hiện nay khoảng 1.200 USD/tấn). Hoặc có trường hợp khai báo sai mã HS, đó là khai thép không gỉ thành một sản phẩm ở nhóm mã HS khác.
Làm gì để lật tẩy vi phạm?
Qua thực tế nghiên cứu các hành vi gian lận này có thể đưa ra một số kinh nghiệm giúp công chức hải quan nhận biết ban đầu để phòng ngừa vi phạm như sau :
Đối với trường hợp thép không gỉ thành phẩm cán nguội khai báo dưới dạng FullHard, khi kiểm tra mắt thường thì bề mặt FullHard có dính dầu và cứng, màu sắc tối, bề mặt nhám vì chưa thực hiện ủ. Trong khi đó, bề mặt thép không gỉ thành phẩm cán nguội sạch sẽ vì đã qua nhiều công đoạn xử lý. Hoặc khi kiểm tra về lý tính và cơ tính thì thép không gỉ cán nguội, độ cứng bề mặt khoảng 140~250 HV (thang Vickers - HV Hardness Vicker đơn vị để đo độ cứng của thép) trong khi đó FullHard có độ cứng 320 ~ 480 HV.
Đối với trường hợp số nhập khẩu thép không gỉ từ Trung Quốc được chuyển sang Hàn Quốc hoặc những quốc gia khác không bị áp thuế chống bán phá giá để lẩn tránh xuất xứ nên chỉ bị áp thuế suất nhập khẩu thép không gỉ cán nguội 10% và trốn thuế chống bán phá giá từ 17% ~ 25% Trường hợp này rất phức tạp vì phải kiểm tra quy trình luân chuyển của hàng hóa, cần phải phân tích lịch trình tàu trên E-manifet ; so sánh tên tàu ghi vận đơn và tên tàu ghi trên C/O ; thông tin khác về năng lực sản xuất của quốc gia khác đối với mặt hàng này .v.v
Đối với trường hợp số nhập khẩu thép không gỉ khai báo khác chủng loại ví dụ từ thép Inox 304 sang thép Inox 204CU hay 430 thì có thể sử dụng nam châm để thử từ tính, thép 304 không hút nam châm, thép 204 hay 430 thì hút nam châm.
Hoặc kiểm tra thành phần hoá học trong cấu tạo của thép, hoặc kiểm tra cơ tính và lý tính như thép 304 cứng hơn có độ cứng từ 160 ~ 190HV, còn thép 204 và 430 thì mềm hơn với độ cứng từ 130 ~ 165 HV, hoặc kiểm tra độ dãn dài, thép 304 có độ dãn dài gấp đôi so với thép 204 và 430.
Đối với trường hợp nhập khẩu thép không gỉ khai báo thành một sản phẩm hoàn toàn khác thì cần có kỹ năng phân loại hàng hóa và mẫu phân tích, giám định để có cơ sở kết luận chính xác.
Việc gian lận như trên sẽ ảnh hưởng bất lợi đến các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước do nhập khẩu quá nhiều dẫn đến vượt cung cầu, giá rẻ. Ngược lại, các doanh nghiệp gia công thép và xuất khẩu sẽ có lợi vì giá nhập khẩu rẻ nâng cao sức cạnh tranh.
Một số kinh nghiệm trên hy vọng phần nào cung cấp thông tin giúp các Chi cục hải quan, công chức hải quan thừa hành tham khảo trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra thực tế hàng nhập khẩu.