Cần tiếp tục thu hẹp phạm vi hoạt động của DNNN?
19/05/2015 08:20
(Chinhphu.vn) - Hồi đầu tuần, tại phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng cần sửa đổi Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN để thu hút mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia đầu tư của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư và đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DNNN.
Theo Quyết định 37, Nhà nước đang phân chia doanh nghiệp theo các nhóm sở hữu của Nhà nước là: 100% vốn Nhà nước; từ 75-100% vốn Nhà nước; từ 65% - dưới 75%; và trên 50% tổng số cổ phần của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều tổ chức, cá nhân tham gia mua cổ phần từ các DNNN ngỏ ý muốn mua với số lượng lớn hơn quy định để có quyền tham gia điều hành doanh nghiệp.
Mới đây, trước khó khăn cổ phần hóa cảng Hải Phòng khi Nhà nước đang nắm giữ số lượng cổ phần lớn (95%) và việc bán cổ phần ra hạn chế như quy định (Nhà nước nắm giữ từ 75% tổng số cổ phần trở lên) đã không tạo được sức hút cho thị trường. Khi Bộ Giao thông vận tải xin giảm cổ phần Nhà nước tại cảng Hải Phòng xuống 51% thì mới có 1 tổ chức nước ngoài đăng ký mua 30% tổng số cổ phần Nhà nước bán ra.
Cũng sau đó, Tập đoàn Vingroup ngỏ ý muốn mua 80% tổng số cổ phần của cảng Hải Phòng với giá mua không thấp hơn giá đấu thầu thành công trung bình mà cảng này đã đấu giá trước đó. Tương tự với số lượng này, Vingroup cũng muốn mua 80% cổ phần trước khi cổ phần hóa với cảng Sài Gòn.
Một trường hợp khác là Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor) đã không cổ phần hóa thành công cách đây hơn 1 năm khi vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này sau cổ phần hóa chiếm gần 49%.
Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đồng ý cho bán toàn bộ cổ phần của Nhà nước tại Vinamotor vào đầu năm nay và quyết định này đã tạo ra sức hút đáng kể với thị trường.
Hiện đã có4 nhà đầu tư tổ chức mong muốn được mua phần lớn hoặc toàn bộ vốn Nhà nước tại Vinamotor.
Việc Nhà nước vẫn còn nắm giữ số lượng cổ phiếu chi phối hoạt động và quản trị của doanh nghiệp đã không tạo được “cảm hứng” cho thị trường và đó cũng là nguyên nhân cổ phần hóa DNNN vẫn chưa đạt kết quả mong muốn khi thời hạn cuối năm 2015 đang đến gần.
Cũng cần phải thấy rằng khi xây dựng Quyết định 37, các cơ quan tham mưu mong muốn ở những lĩnh vực đặc thù, ảnh hưởng lớn tới đời sống nhân dân và doanh nghiệp thì Nhà nước vẫn phải giữ vai trò bảo đảm. Tuy nhiên thực tiễn thì rất sinh động và nhiều địa phương đã mạnh dạn xin ý kiến Chính phủ thực hiện cổ phần hóa mạnh mẽ hơn.
Xin lấy thí dụ ở tỉnh Hà Nam. Với quy định lĩnh vực khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch theo Quyết định 37 thì Nhà nước phải nắm giữ trên 50% đến dưới 65% tổng số cổ phần. Tuy nhiên, từ giữa năm 2014, tỉnh Hà Nam đã xin chủ trương và được Chính phủ chấp thuận cho bán hết số cổ phần Nhà nước tại Công ty cổ phần Nước sạch Hà Nam theo hình thức đấu giá công khai với cam kết nhà đầu tư trúng giá phải đảm bảo cung cấp nước sạch đầy đủ, kịp thời cho nhân dân, đi kèm các cam kết bổ sung vốn điều lệ, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp.
Gần nửa năm sau cổ phần hóa, Công ty cổ phần Nước sạch Hà Nam đã đẩy nhanh tiến độ sắp xếp tổ đội lao động, vệ sinh đường ống, nâng cao chất lượng sản xuất đi liền với nâng công suất cấp nước ở một số khu vực ven thành phố Phủ Lý.
Được biết không chỉ Hà Nam mà nhiều địa phương khác như Lai Châu, Hải Phòng… cũng đang xin chủ trương bán toàn bộ vốn Nhà nước trong lĩnh vực cung cấp nước sạch.
Việc tiếp tục thu hẹp phạm vi hoạt động của DNNN là đòi hỏi tất yếu từ cuộc sống cũng như yêu cầu của nhiệm vụ cổ phần hóa DNNN mà Chính phủ đang thực hiện. Điều này cũng phù hợp với những phát biểu gần đây của Thủ tướng Chính phủ “Hãy để toàn dân làm kinh tế”.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp trong nhiều cuộc họp gần đây liên quan tới lĩnh vực này cũng đề cập tới việc tiếp tục thu hẹp phạm vi hoạt động của DNNN. “Có những lĩnh vực cần phải mở rộng để tư nhân tham gia điều hành, quản trị doanh nghiệp. Để đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ cũng như khả năng chi trả của xã hội, Nhà nước đưa ra những tiêu chuẩn, ràng buộc và doanh nghiệp tham gia phải tuân thủ”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.
Tuy nhiên, việc giảm ảnh hưởng của Nhà nước ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh phải được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định và minh bạch để không làm nảy sinh sự độc quyền của nhà đầu tư ở một lĩnh vực nào đó lại gây ảnh hưởng tiêu cực tới quyền lợi của người dân và hình ảnh của Nhà nước./.