Bộ Công Thương ban hành Quyết địnhh áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời lên đến 27,83% đối với một số sản phẩm thép cán nóng HRC có xuất xứ từ Trung Quốc
Ngày 21 tháng 2 năm 2025, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 460/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng HRC có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc là từ 19,38% đến 27,83%. Đây là kết quả của quá trình điều tra do Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) thực hiện, nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước trước các hành vi bán phá giá gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam.
21/02/2025 16:45
Trong bối cảnh ngành thép trong nước đang đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt, ngày 21/02/2025, Bộ Công Thương đã có động thái quyết liệt khi ban hành Quyết định số 460/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng nhập khẩu.
Sản phẩm thép cán nóng bị áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời được phân loại theo các mã HS 7208.25.00, 7208.26.00, 7208.27.19, 7208.27.99, 7208.36.00, 7208.37.00, 7208.38.00, 7208.39.20, 7208.39.40, 7208.39.90, 7208.51.00, 7208.52.00, 7208.53.00, 7208.54.90, 7208.90.90, 7211.14.15, 7211.14.16, 7211.14.19, 7211.19.13, 7211.19.19, 7211.90.12, 7211.90.19, 7225.30.90, 7225.40.90, 7225.99.90, 7226.91.10, 7226.91.90 (mã vụ việc AD20).
Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời áp dụng cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc là từ 19,38% đến 27,83%. Đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hoá có xuất xứ từ Ấn Độ không áp dụng mức thuế chống bán phá giá tạm thời do có tỷ lệ nhập khẩu không đáng kể, dưới 3% thoả mãn điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14. Quyết định này sẽ có hiệu lực sau 15 ngày ban hành.
Theo Quyết định số 460, thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực sau 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày quyết định được ban hành. Thời hạn áp dụng là 120 (một trăm hai mươi) ngày kể từ ngày có hiệu lực (trừ trường hợp được gia hạn, thay đổi, huỷ bỏ theo quy định pháp luật).
Số liệu từ cơ quan hải quan cho thấy tình trạng đáng báo động khi lượng nhập khẩu thép cán nóng (HRC) năm 2024 đã đạt 12,6 triệu tấn, tăng hơn 33% so với năm 2023. Đặc biệt, ngay cả sau khi Bộ Công Thương khởi xướng điều tra từ tháng 7/2024, lượng thép HRC từ Trung Quốc vẫn tiếp tục đổ bộ vào thị trường Việt Nam với tốc độ chóng mặt, đe dọa trực tiếp đến sự phát triển của ngành sản xuất trong nước.
Theo thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại, hai doanh nghiệp sản xuất thép HRC lớn trong nước hiện có tổng công suất 8,6 triệu tấn/năm. Sản lượng này được phân bổ đều cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu, trong khi nhu cầu trong nước lên tới 13 triệu tấn/năm. Điều này cho thấy việc nhập khẩu vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường, tuy nhiên cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ sản xuất trong nước.
VNSTEEL News