VNSTEEL- 'Xanh hóa' sản xuất
24/08/2017 10:55
Xác định bảo vệ môi trường tỉ lệ thuận với lợi nhuận kinh tế và hơn hết, đó là trách nhiệm với cộng đồng, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL) đã và đang chỉ đạo các doanh nghiệp tích cực đầu tư công nghệ, hướng đến sản xuất bền vững và bảo vệ môi trường.
Phát triển bền vững
Ông Trịnh Khôi Nguyên - Phó tổng giám đốc VNSTEEL - cho biết, không chỉ với VNSTEEL mà đối với toàn ngành thép nói chung, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đang là vấn đề được quan tâm và chú trọng hàng đầu. Đối với VNSTEEL - doanh nghiệp nhà nước lớn - công tác BVMT tại các đơn vị trong hệ thống luôn được lãnh đạo tổng công ty quan tâm và sát sao chỉ đạo thực hiện nhằm "xanh hóa" khu vực sản xuất, sản xuất hài hòa với môi trường.
Hiện nay, sản xuất thép trên thế giới theo xu hướng tối ưu quy trình vận hành, giảm tiêu thụ năng lượng và nâng cao cấp độ tự động hoá, thân thiện với môi trường. Theo xu hướng đó, VNSTEEL luôn quan tâm, chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai các giải pháp như: tập trung đầu tư đổi mới công nghệ; ưu tiên và khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; nghiên cứu, áp dụng mô hình công nghệ xử lý nước thải, kiểm soát khí thải, thu hồi tái sử dụng năng lượng dư; tái sử dụng chất thải bằng những công nghệ khả thi nhất/công nghệ tốt nhất có thể áp dụng. Đặc biệt, áp dụng công nghệ luyện và cán thép hiện đại trên thế giới thông qua các dự án đầu tư mở rộng quy mô.
Các đơn vị thuộc VNSTEEL đã nỗ lực nghiên cứu, áp dụng công nghệ luyện, cán thép hiện đại trên thế giới vào những dự án đầu tư mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ như: Dự án mở rộng giai đoạn 2 Công ty TNHH Thép Vina Kyoei; Dự án bổ sung dây chuyền mạ màu, mạ kẽm của Công ty Tôn Phương Nam. Nhiều đơn vị trong hệ thống VNSTEEL cũng triển khai nhiều giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Điển hình như giải pháp tiết kiệm năng lượng và bvmtđối với lò điện hồ quang tại Công ty TNHH MTV Thép miền Nam; nâng cao hiệu quả nạp phôi nóng ở Công ty TNHH MTV Thép miền Nam và Công ty CP Thép Thủ Đức; nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào để sản xuất gang lò cao tại Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, từ đó góp phần giảm thiểu môi trường do quá trình luyện than cốc sinh ra. Đáng chú ý, 100% các công ty cán trong hệ thống VNSTEEL chuyển đổi nhiên liệu nung phôi từ đốt dầu FO sang đốt khí thiên nhiên…
Nhờ chủ động tuyên truyền, đến nay, nhận thức của người lao động trong toàn hệ thống tổng công ty ngày càng được nâng cao, môi trường làm việc từng bước được cải thiện. Việc đảm bảo môi trường trong sản xuất, cụ thể đối với việc xả thải, khói, bụi... luôn đảm bảo tuân thủ đúng quy trình, quy định hướng dẫn tại những văn bản quy phạm pháp luật như: Thông tư 32/2013/TT-BTNMT ban hành QCVN 51/2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép, QCVN 52/2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp sản xuất thép; Thông tư 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại...
"Đặc biệt, VNSTEEL yêu cầu các đơn vị phải có kế hoạch thực hiện việc vận hành hệ thống, cải tạo hệ thống xử lý môi trường, giảm thiểu ô nhiễm. Tổng công ty đã và đang tiếp tục tổ chức giám sát thực hiện để nhằm hoàn thành mục tiêu lớn nhất là toàn hệ thống VNSTEEL phải đạt tiêu chuẩn môi trường, đặc biệt là vấn đề xử lý chất thải rắn, khí thải, bụi và nước thải" - ông Trịnh Khôi Nguyên cho hay.
Dây chuyền sản xuất phôi |
Ngoài việc bvmt, VNSTEEL luôn nhận thức được vai trò quan trọng của người lao động trong sản xuất, qua đó, việc bảo đảm an toàn lao động trong hoạt động sản xuất - kinh doanh luôn được chú trọng và tuyệt đối không làm đối phó. Trong những cuộc họp giao ban định kỳ, lãnh đạo tổng công ty thường xuyên chỉ đạo người đại diện phần vốn của VNSTEEL tại các đơn vị phải tăng cường hơn nữa công tác an toàn lao động trong sản xuất và tuân thủ đầy đủ quy định liên quan đến an toàn lao động; chủ động nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp với thực tế sản xuất và văn bản pháp luật liên quan. Ngoài ra, VNSTEEL còn tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng và giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Hướng tới mục tiêu lớn
BVMT sản xuất giúp VNSTEEL nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Bởi lẽ, trong những năm gần đây, đối tác tiêu thụ thép của VNSTEEL trong và ngoài nước, đặc biệt, nhà đầu tư của công trình lớn thường xuyên đến thăm quan dây chuyền sản xuất của VNSTEEL. Ngoài xem xét, đánh giá sản phẩm, kiểm tra chất lượng, việc VNSTEEL chú trọng và cam kết về quá trình sản xuất theo khái niệm xanh, sạch, bền vững cũng là một yếu tố quan trọng để họ quyết định hợp tác. Do đó, bvmtlà yếu tố rất tích cực, cần thiết để đảm bảo sự cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu. Đồng thời, góp phần hoàn thành tham vọng quay trở lại vị thế dẫn đầu ngành thép của VNSTEEL sau nhiều năm gặp khó khăn.
Ông Trịnh Khôi Nguyên chia sẻ thêm, cùng với các giải pháp bvmt, hướng đến sản xuất bền vững, tận dụng lợi thế về hệ thống nhà máy sản xuất, kinh doanh thương mại trong tay, VNSTEEL đang đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp thép hàng đầu Việt Nam, đa sở hữu trên cơ sở chủ đạo là sản xuất và kinh doanh sản phẩm thép, giữ vai trò chủ lực trong ngành thép Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Cơ sở cho mục tiêu này là việc tổng công ty có các đơn vị hoạt động liên quan đến công nghệ, cung ứng, tiêu thụ, dịch vụ, thông tin, đào tạo, nghiên cứu, tiếp thị, xuất nhập khẩu; có các nhà máy sản xuất, cơ sở khai thác mỏ, mạng lưới kinh doanh và dịch vụ, viện nghiên cứu, trường học... trên phạm vi toàn quốc.
Hiện tại, doanh nghiệp trong hệ thống VNSTEEL cung cấp trên 40% nhu cầu thép xây dựng và khoảng 20% nhu cầu thép cán nguội trong nước. VNSTEEL cũng đặt mục tiêu tăng trưởng cụ thể trong giai đoạn 2016-2020, phấn đấu tăng trưởng phôi thép đạt 8,3%, thép xây dựng 6,7%, thép dẹt 4,4%, từng bước hoàn thành mục tiêu trở lại vị trí dẫn đầu ngành công nghiệp thép Việt Nam.
Ông Trịnh Khôi Nguyên - Phó tổng giám đốc VNSTEEL: Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xem xét, sửa đổi lại quy định hàm lượng ôxy tham chiếu tại QCVN 51:2013/BTNMT để phù hợp với các nhà máy thép sử dụng công nghệ lò điện hoặc nghiên cứu không áp dụng quy định về hàm lượng ôxy tham chiếu đối với loại hình công nghệ này. Đồng thời, cho lùi thời hạn áp dụng kiểm soát thông số Dioxin/Furan đến năm 2020. |