Tổng công ty Thép Việt Nam tham gia bình ổn thị trường thép VN

22/10/2012 00:00

Trước tình hình giá thép xây dựng tiếp tục tăng cao (nguyên nhân chính do giá phôi nhập và giá nhiều loại nguyên vật liệu luyện kim như thép phế, quặng sắt, giá dầu, cước vận chuyển, tăng cao), ngày 14/3/2008 Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ thị các bộ ngành, đơn vị liên quan về việc kiềm chế tăng giá và tham gia bình ổn thị trường thép. Thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) đã ráo riết chỉ đạo và quán triệt đến từng đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm tham gia kiềm chế tăng giá và bình ổn thị trường thép trong nước. Trước đó, ngày 05/02/2008 VNSTEEL đã ban hành Kế hoạch tham gia bình ổn thị trường thép xây dựng số 262/KH-VNS, chủ yếu tập trung vào các nội dung như sau:

-          Thực hiện tốt công tác nghiên cứu, dự báo thị trường và làm tốt công tác khai thác, thu mua nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất;

-          Cố gắng duy trì việc sản xuất ổn định, liên tục, huy động tối đa công suất SX của các nhà máy, đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra; quản lý hàng tồn kho hợp lý để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường và tham gia điều chuyển khi có yêu cầu;

-           Nâng cao năng lực vận hành các nhà máy mới nhằm tăng khả năng huy động công suất, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào để hạ giá thành SX;

-          Các đơn vị không được găm hàng chờ giá lên cao mới bán, tuân thủ các chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước và các quy định của Tổng công ty; Áp dụng các giải pháp nhằm ưu tiên, khuyến khích các dự án, nhà thầu chuyên nghiệp mua thép trực tiếp;

-           Phối hợp với Hiệp hội Thép và các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện một số công việc: ngăn chặn mọi hành vi gian lận thương mại, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà sản xuất và người tiêu dùng; duy trì chế độ báo cáo thường xuyên về tình hình thép trong và ngoài nước; đề xuất các giải pháp vĩ mô để bình ổn thị trường thép trong nước;

-          Củng cố và phát triển hệ thống mạng lưới phân phối theo hướng tăng tỷ lệ cung ứng trực tiếp đến các nhà thầu, dự án có nhu cầu sử dụng lớn và người sử dụng cuối cùng để giảm bớt các chi phí trung gian;

-          Theo dõi sát biến động thị trường trong và ngoài nước để xây dựng khung giá bán phù hợp. Trong trường hợp đặc biệt, Tổng công ty sẽ xem xét áp dụng phương án điều hành giá cứng: quyết định giá bán thép xây dựng cho từng vùng, miền và các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm tuân thủ;

-          Chống đầu cơ - trục lợi, công bố công khai tỷ lệ chiết khấu, chất lượng sản phẩm và niêm yết công khai giá bán. Có quy chế bán hàng hợp lý, không tập trung bán hàng qua một số ít nhà phân phối lớn để tránh tình trạng độc quyền;

-          Duy trì đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác cho khách hàng.

           Để việc kiềm chế tăng giá và bình ổn thị trường thép trong nước thực sự có hiệu quả, cần có sự quyết tâm và phối hợp tốt của nhiều bộ ngành, doanh nghiệp liên quan. Là một DN đứng đầu ngành thép Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp liên quan để thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này.

Hoàng Ngọc Chiến

Tổng công ty Thép Việt Nam