Ngành thép EU với chính sách năng lượng và khí hậu

Hiệp hội công nghiệp thép Châu Âu (Eurofer) kêu gọi Liên minh châu Âu cần nhanh chóng điều chỉnh các chính sách năng lượng và khí hậu tốn kém của mình để đảm bảo cho sự phát triển bền vững và lâu dài của ngành thép khu vực EU.

04/11/2013 09:17

Hiệp hội công nghiệp thép Châu Âu (Eurofer) kêu gọi Liên minh châu Âu cần nhanh chóng điều chỉnh các chính sách năng lượng và khí hậu tốn kém của mình để đảm bảo cho sự phát triển bền vững và lâu dài của ngành thép khu vực EU.

Ngày hôm qua, Eurofer đưa ra lời kêu gọi này bên lề hành lang hội nghị cấp cao giữa Phó chủ tịch Antonio Tajani và Ủy viên phụ trách việc làm László Andor đại diện cho Ủy ban châu Âu EC với Giám đốc điều hành các nhà sản xuất thép lớn của châu Âu, đại diện nghị viện châu Âu cùng các tổ chức công đoàn để thảo luận về các giải pháp thúc đẩy năng lực cạnh tạnh toàn cầu của ngành công nghiệp thép EU.

Tại hội nghị, Chủ tịch Eurofer - Gordon Moffat cho biết "Thay đổi các chính sách năng lượng và khí hậu thực sự cấp thiết. Châu Âu cần có các giải pháp thực tế hơn để thu hẹp khoảng cách về giá năng lượng và chi phí sản xuất giữa ngành công nghiệp thép khu vực với các đối thủ cạnh tranh". Lấy trích dẫn từ một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu (CEPS), Moffat cho rằng hiện nay chi phí tích lũy của ngành thép EU chiếm một tỉ trọng rất lớn, lên tới 30% tổng lợi nhuận kinh doanh của các nhà sản xuất thép châu Âu trong những năm được coi là "tốt bình thường", và có thể chiếm tới 30% đến hơn 100% lợi nhuận ngành trong những năm thuộc giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa rồi (từ 2009 - 2011).

Châu Âu cần có các giải pháp thay đổi các chính sách năng lượng và khí hậu để giảm bớt chi phísản xuất tạo lợi thế cạnh tranh.

"Vẫn có nhiều sự khác biệt giữa giá năng lượng trong ngành công nghiệp sản xuất thép châu Âu với các đối thủ cạnh tranh, tuy nhiên ngành công nghiệp năng lượng châu Âu vẫn đang tích cực tìm mọi giải pháp để thu hẹp dần khoảng cách khác biệt này", Moffat cho biết thêm trong hội nghị. 

Cũng tại hội nghị ở London hôm qua, Tajani đã đề cập tới việc châu Âu vẫn còn phải đối mặt với sự suy giảm trong ngành công nghiệp cho đến khi giải quyết được bài toán chi phí năng lượng cao. "Ngành công nghiệp thép khu vực châu Âu đang phải chịu một mức chi phí năng lượng cao nhất so với các khu vực khác, chính điều này đã làm cho tính cạnh tranh của ngành suy yếu rõ rệt. Đây là vấn đề được Ủy ban châu Âu EC đưa ra bàn luận trong hội nghị lần này để góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp thép châu Âu, EC muốn châu Âu giữ 1 vị trí quan trọng trên bản đồ công nghiệp thép toàn cầu", Tajani nhấn mạnh.

Trao đổi với Platts, Chủ tịch nghiệp đoàn thép Ý - Antonio Gozzi cho rằng, hội nghị cũng sẽ đề cập đến phương án hỗ trợ ngành thép đồng nghĩa với một vài quyết định cắt giảm. "Cơ hội sẽ được mở ra cho các nhà máy sản xuất thép đến từ khu vực Bắc Âu nhận được những sự hỗ trợ cần thiết, trái lại họ cũng phải chấp nhận việc bắt buộc phải cắt giảm công suất cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình", Gozzi cho biết thêm.

Trao đổi về vấn đề này, Phó chủ tịch EC cho biết "Ở thời điểm khi ngành thép EU đang phải đối mặt với vòng xoáy dư thừa sản lượng, điều quan trọng nhất lúc này là chúng ta phải ổn định được vấn đề an sinh xã hội và xa hơn nữa là hỗ trợ kinh phí trợ cấp thất nghiệp cho các nhà máy thép trong khu vực".

Theo chương trình mua bán khí thải (ETS), EU cấp giấy phép thải CO2 cho các nước thành viên để đáp ứng quy định đặt ra trong Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc.

Trong ngày hôm nay, hội nghị sẽ thảo luận về việc phân bổ hạn mức khí thải CO2 theo chương trình mua bán khí thải của EU (ETS). Vì lượng CO2 mà mỗi nhà máy được cấp phép thải chỉ là khoảng 10% so với hiệu suất tối đa, theo Eurofer thì đây là "điều không thể thực hiện được với công nghệ sản xuất thép hiện tại".

SonHV (SteelBB)

Â