Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường trong công tác quản lý chất thải ngành công nghiệp sản xuất thép

VNSTEEL không phê duyệt chủ trương đối với những Dự án đầu tư với công nghệ lạc hậu, không đảm bảo điều kiện môi trường.

15/08/2018 14:42

Ngành công nghiệp luyện gang thép, thuộc nhóm ngành công nghiệp nặng, đòi hỏi nhiều thiết bị máy móc kỹ thuật, nguồn lao động có tay nghề cao. Ở Việt Nam, nhóm ngành này hiện đóng vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế, nhưng cũng có nhiều tiềm ẩn về nguy cơ ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người.

Hiện hệ thống của VNSTEEL có 20 nhà máy sản xuất và kinh doanh các chủng loại sản phẩm như thép xây dựng, thép tấm lá, sản phẩm cơ khí, gạch men, vật liệu chịu lửa,… còn lại là các công ty thương mại. Sản lượng thép thành phầm bình quân của VNSTEEL 4,1 triệu tấn/năm, trong đó có các loại sản phẩm như thép xây dựng, thép dẹt, tôn mạ, ống thép.

Nguồn chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất gang thép gồm nước thải, khí và bụi thải, chất thải rắn. Trong đó, nước thải phát sinh từ 2 nguồn: Nước làm mát thiết bị và sản phẩm; Nước dùng để pha chế các loại hóa chất để tẩy, rửa kim loại, sơn mạ màu. Khi thải ra chúng có một số khoáng chất, dầu, mỡ dư thừa, cặn bụi, ô xít sắt và các kim loại nặng khác là tác nhân gây ô nhiễm...

Theo tính toán, để sản xuất 1 tấn thép sẽ thải ra từ 0,5-1 tấn xỉ, 10.000 m3 khí thải, 100 kg bụi và các chất ô nhiễm như: axit, kiềm, các nguyên tố hợp kim... Ngoài ra, việc sản xuất thép còn sử dụng nhiều năng lượng như than, gas, điện, dầu và các chất phụ trợ như hợp kim, điện cực, khí trơ,.... Đặc biệt, quá trình sản xuất gang thép đã tạo ra một lượng lớn các chất thải gây ô nhiễm môi trường với một lượng bụi lên tới hàng nghìn tấn/năm, thành phần chủ yếu là các oxit kim loại và những loại oxit khác (FeO, MnO, Al2O3, SiO2, CaO, MgO) và các loại khí thải chứa CO, CO2, SO2, NO2, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Do vậy, việc quản lý các nguồn thải phát sinh trong quá trình sản xuất thép luôn được VNSTEEL chú trọng quan tâm.

Đầu tư cho công nghệ là yếu tố then chốt để bảo vệ môi trường

Như đã đề cập ở trên, sản xuất thép xả thải nhiều chất độc hại, dễ gây ô nhiêm môi trường, vì vậy, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường. Với trách nhiệm là một doanh nghiệp lớn của Nhà nước, VNTEEL đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đầu tư, đổi mới công nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo vệ môi trường và luôn là đơn vị tiên phong trong ứng dụng và nghiên cứu các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong sản xuất thép.

Hiện VNSTEEL là doanh nghiệp lớn tại Việt Nam sở hữu hầu hết các công nghệ sản xuất thuộc loại trung bình và khá so với Thế giới và khu vực như: Công nghệ truyền thống: Quặng sắt - Luyện gang bằng lò cao (BF) - Luyện thép - Đúc phôi liên tục - Cán thép - Sản phẩm thép dài; Công nghệ sản xuất thép bằng lò điện: Thép phế - Luyện thép bằng lò điện hồ quang (EAF) - Đúc phôi liên tục - Cán thép - Sản phẩm thép dài; Công nghệ cán nguội thép băng: HRC - Cán nguội - Sản phẩm CRC; Gia công sau cán: Kéo dây, mạ kẽm, sơn phủ, tạo hình, uốn và hàn ống.

Việc ứng dụng những công nghệ như trên cho thấy đều tạo ra 3 dạng chất thải (chất thải rắn, nước thải, khí và bụi thải) với mức độ khác nhau và có thể kiểm soát các nguồn phát thải trong sản xuất để đáp ứng các quy chuẩn xả thải của Việt Nam. Chính vì vậy công tác tổ chức quản lý môi trường là cần thiết và bắt buộc đối với doanh nghiệp. Các đơn vị trong hệ thống của VNSTEEL luôn duy trì thường xuyên việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhắc nhở việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động hàng ngày, hàng tuần. Hệ thống hồ sơ về quản lý môi trường và các văn bản pháp luật có liên quan được lưu giữ đầy đủ.

Chất thải rắn, chất thải nguy hại, rác thải sinh hoạt: Trong các nhà máy của VNSTEEL là chất thải công nghiệp, giẻ lau dính dầu, mỡ,… luôn được phân loại, thu gom lưu giữ tập kết chứa vào kho bãi riêng biệt để xử lý và định kỳ được đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Nước thải: Phát sinh chủ yếu là nước thải sinh hoạt, được thu gom, xử lý bằng hệ thống xử lý nước thải. Hầu hết nước thải tại các nhà máy sản xuất thép của VNSTEEL sau khi xử lý được tái sử dụng, dùng tưới cây xanh trong khuôn viên nhà máy và một phần đưa vào trong sản xuất. Bên cạnh đó, nước thải sản xuất phát sinh từ công đoạn giải nhiệt được tái sử dụng 100%.

Khí thải, bụi thải: Hệ thống hút bụi của các Nhà máy thép trong hệ thống của VNSTEEL luôn chú trọng đầu tư, các thông số xả thải luôn theo đúng quy định của pháp luật về môi trường. Các hệ thống luôn đảm bảo khả năng hút và lọc bụi triệt để, cải thiện tốt môi trường cả bên trong, bên ngoài nhà máy, bảo đảm sức khỏe cho người lao động làm việc trong khu vực sản xuất, bảo đảm cho quá trình sản xuất liên tục với cường độ cao, tức là cũng góp phần gián tiếp giảm chi phí sản xuất chung.

Phân loại rác nguy hại và rác sinh hoạt

Kho chứa bụi lò luyện

Chất thải nguy hại luôn được phân loại, thu gom, lưu giữ tạm thời trong kho chứa có mái che, dán nhãn chất thải nguy hại và định kỳ chuyển giao cho các đơn vị chức năng xử lý.

Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường

VNSTEEL tuy sở hữu hầu hết các công nghệ sản xuất thuộc loại trung bình và khá so với Thế giới và khu vực như đã đề cập ở trên, nhưng phần lớn các cơ sở sản xuất của VNSTEEL có quy mô nhỏ và vừa, phân bố phân tán, chưa đạt quy mô kinh tế so với các nhà sản xuất thép tiên tiến trên thế giới. Sản phẩm thép chủ yếu là thép dài (thanh, dây và hình nhỏ) phục vụ cho xây dựng thông thường, chưa sản xuất được thép tấm, thép lá và thép chất lượng cao.

Nhận thức được vấn đề đó, trong việc lựa chọn công nghệ, VNSTEEL luôn chú trọng công nghệ “Sản xuất sạch hơn” tại một số đơn vị trọng điểm. Đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị nhằm bảo vệ môi trường. Lấy việc phòng ngừa ô nhiễm, giảm thiểu chất thải, hạn chế phát sinh gây tác động tiêu cực bằng việc sử dụng công nghệ ít tiêu tốn vật tư, nguyên nhiên liệu, kết hợp với biện pháp xử lý hạ nguồn để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

VNSTEEL không phê duyệt chủ trương đối với những Dự án đầu tư với công nghệ lạc hậu, không đảm bảo điều kiện môi trường. Đồng thời tại các cơ sở sản xuất thép luôn trang bị đủ hệ thống thiết bị kiểm soát ô nhiễm môi trường theo đúng quy định của Nhà nước.

Bên cạnh đó, VNSTEEL luôn thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, tổ chức tuyên truyền sâu rộng để người lao động hiểu và thực hiện tốt pháp luật về bảo vệ môi trường, phối hợp với các Bộ ngành liên quan (Bộ công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức các Hội nghị phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Hội nghị “Phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về kỹ thuật an toàn và bảo vệ môi trường” thường niên cho các đơn vị thuộc VNSTEEL

Ông Trần Văn Lượng - Cục trưởng Cục KT An toàn & Môi trường CN Bộ Công Thương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (năm 2017)

Việc đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng luôn được lãnh đạo VNSTEEL chú trọng triển khai nhằm củng cố và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý về môi trường, tổ chức đào tạo mới và đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật có chuyên môn liên quan đến môi trường của các đơn vị trong hệ thống. Bên cạnh đó, VNSTEEL hợp tác với các Bộ, ngành liên quan trong nước và các đối tác nước ngoài về nghiên cứu khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực chuyên môn về bảo vệ môi trường.

Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường của VNSTEEL

Trong thời gian tới, VNSTEEL sẽ có kiến nghị với Nhà nước cùng các cơ quan liên quan một số nội dung cơ bản như dưới đây.

1. Hoàn thiện hệ thống pháp lý về quản lý chất thải thông thường, trong đó có nội dung quy định về sử dụng chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu, coi chất thải (như xỉ lò cao, bụi lò luyện,…) là tài nguyên.

2. Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường, cụ thể hóa các cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải, phát triển công nghệ xử lý nước thải, tái chế chất thải, tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải.

3. Có chính sách khuyến khích các công ty sản xuất thép xây dựng các khu liên hợp gang thép, các nhà máy luyện, cán thép quy mô đủ lớn theo hướng áp dụng các công nghệ mới, tiêu hao năng lượng thấp và thân thiện với môi trường góp phần vào chiến lược phát triển bền vững của Quốc gia.

4. Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung, rà soát, sửa đổi, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

5. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, qua đó có cơ chế chia sẻ thông tin và cảnh báo đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

6. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về môi trường, có chính sách phù hợp với các đối tượng, giai đoạn phù hợp với từng ngành nghề, có phương án, kế hoạch bảo vệ môi trường và giải pháp khắc phục sự cố môi trường trong sản xuất. Kết hợp với kiểm soát, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường, làm cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình sản xuất luôn chủ động giải pháp và luôn thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.