Một số đề xuất hoàn thiện việc vận hành Quy chế quản lý tài chính của các Tổng Công ty nhà nước theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con”

Bài viết sau đây nghiên cứu quá trình vận hành quy chế quản lý tài chính trong thời gian qua tại một số Tổng Công ty theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Đây là mô hình tổ chức mới được áp dụng trong quá trình chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước theo hướng kinh tế thị trường. Bài viết đã phân tích và nhận dạng các vấn đề nảy sinh, tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất một số kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện việc vận hành cơ chế quản lý tài chính của mô hình này.

22/10/2012 00:00

Bài viết sau đây nghiên cứu quá trình vận hành quy chế quản lý tài chính trong thời gian qua tại một số Tổng Công ty theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Đây là mô hình tổ chức mới được áp dụng trong quá trình chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước theo hướng kinh tế thị trường. Bài viết đã phân tích và nhận dạng các vấn đề nảy sinh, tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất một số kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện việc vận hành cơ chế quản lý tài chính của mô hình này.

Cơ chế quản lý tài chính trong doanh nghiệp là một hệ thống tổng thể các phương pháp, các hình thức và công cụ quản lý được vận dụng để quản lý các hoạt động tài chính của doanh nghiệp trong những điều kiện cụ thể nhằm đạt các mục tiêu của quản lý tài chính nói riêng và của doanh nghiệp nói chung. Nội dung cơ chế quản lý tài chính bao gồm những vấn đề chủ yếu như: (1) Cơ chế huy động, quản lý, sử dụng vốn và tài sản, (2) Cơ chế quản lý doanh thu và chi phí, (3) Cơ chế kiểm soát tài chính mà trọng tâm là hệ thống kiểm soát nội bộ và hệ thống thông tin tài chính.

Việc đổi mới cơ chế quản lý tài chính các Tổng Công ty (TCT) theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con phải nhằm vào mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh doanh và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước. Trên cơ sở các Nghị định 153/2004/NĐ-CP, 199/2004-NĐ-CP, các Thông tư 33/2005/TT-BTC, 72/2005/TT-BTC và từ thực tiễn vận hành cơ chế quản lý tài chính của các Tổng Công ty, có thể rút ra nhận xét và đi tới một số kiến nghị sau đây:

1.Về cơ chế huy động, quản lý, sử dụng vốn và tài sản

Mục tiêu của công tác quản lý và sử dụng vốn là không ngừng mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các TCT - một tiền đề cơ bản để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Để đạt được mục tiêu này cần:

-Kiên quyết thay cơ chế giao vốn, cấp vốn bằng cơ chế đầu tư vốn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng cường trách nhiệm trong quản lý vốn, bảo toàn và phát triển vốn. TCT chỉ có trách nhiệm hữu hạn đối với số vốn tại doanh nghiệp thành viên, không có quyền điều chuyển tài sản của thành viên. Mọi quan hệ phải dựa trên cơ sở hợp đồng kinh tế. Điều này sẽ giúp khắc phục tình trạng Công ty mẹ hiện nay vẫn thực hành quyền phán quyết về tài sản, nguồn vốn và các nguồn lực khác của các Công ty con; đảm bảo quyền tự chủ đối với tài sản của Công ty con.

-Việc không cho phép tính khấu hao đối với các tài sản nhàn rỗi chờ thanh lý đã vi phạm nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn. Vì vậy, các Công ty cần được quyền chủ động hơn trong việc nhượng bán và thanh lý tài sản cố định đã hư hỏng, lạc hậu kỹ thuật, không có nhu cầu sử dụng hoặc không dùng được để sớm thu hồi vốn phục vụ tái đầu tư.

-Việc thiếu phân cấp cụ thể về quyền hạn đối với đầu tư, mua sắm, nhượng bán, cho thuê tài sản, hoặc thế chấp, cầm cố tài sản để đi vay, hoặc cho vay, cho nợ đã hạn chế kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên. Từ tham khảo và vận dụng cơ chế quản lý tài chính trong các Công ty cổ phần ở các nước phát triển có thể đưa ra một cơ chế phân cấp thẩm quyền đầu tư và quản lý tài sản như bảng sau:

Cấp có thẩm quyền quyết định

Quy mô tài sản

Thuộc thẩm quyền

Công ty cổ phần

Tổng Công ty, DNNN

 

1.Đại hội cổ đông

1.Cơ quan quyết định thành lập

Trên 50% tổng tài sản

2.HĐQT

2.HĐQT

Dưới 50% tổng tài sản

3.Chủ tịch HĐQT

3.Chủ tịch HĐQT và Tổng GĐ

Dưới 30% tổng tài sản

4.Tổng Giám đốc

4.Tổng Giám đốc

Dưới 10% tổng tài sản

5.Giám đốc

5.Giám đốc đơn vị thành viên

Dưới 5% tổng tài sản

Về việc huy động vốn, TCT không được trực tiếp ký các hợp đồng tín dụng với nước ngoài, do đó làm giảm tính chủ động trong việc huy động vốn để đầu tư. Vì vậy, cần tạo điều kiện ch các TCT tự huy động theo các hình thức khác nhau, đặc biệt là cho phép vay vốn nước ngoài theo cơ chế các TCT tự vay tự trả, nhà nước giúp đỡ tìm đầu mối và bảo lãnh vay vốn.

Ngoài ra, hiện vẫn tồn tại hạn mức vay vốn đối với các doanh nghiệp thành viên dẫn tới làm giảm tính năng động và trách nhiệm, và làm tăng sự phụ thuộc của họ vào quan hệ giữa TCT với các ngân hàng. Điều này cũng đồng thời đặt gánh nặng rủi ro lên TCT.

2.Về cơ chế quản lý doanh thu và chi phí

Trên thực tế, quy chế của một số TCT vẫn chưa đưa ra được các tiêu chí cơ bản để xác định doanh thu, thiếu sự thống nhất về phương pháp, thời điểm, các lưu ý mang tính đặc thù của ngành kinh doanh. Đồng thời, cũng chưa ban hành được các quy định bắt buộc về việc xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật, do đó quản lý giá thành không hiệu quả và thiếu chặt chẽ. Để đưa mô hyình “Công ty mẹ - Công ty con” vào hoạt động có hiệu quả, quy chế quản lý tài chính cần:

-Xoá bỏ cơ chế giao kế hoạch doanh thu, chi phí hàng năm đối với các đơn vị thành viên. Hàng năm HĐQT chỉ giao chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận/vốn kinh doanh là chỉ tiêu trọng yếu. Xây dựng các định mức kinh tế-kỹ thuật phù hợp với thực trạng sản xuất kinh doanh của từng đơn vị, hàng năm có xem xét đánh giá lại các định mức này.

-Một số điều cần thống nhất khi xác định doanh thu bao gồm: (1) Đối với hàng hoá bán trả góp, doanh thu được tính theo giá bán trả 1 lần (không bao gồm lãi trả chậm). Lãi trả chậm phân bổ vào doanh thu tài chính hàng năm theo hợp đồng; (2) Đối với hàng hoá, dịch vụ dùng để trao đổi, doanh thu tính theo giá bán của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ nhận về. Đối với hàng hoá, dịch vụ sử dụng để biếu tặng, tiêu dùng cho nội bộ, doanh thu tính theo giá thành sản xuất hoặc giá vốn hàng hoá, dịch vụ; (3) Đối với tài sản cho thuê đã thu tiền trước nhiều năm, doanh thu từng năm phân bổ theo số năm cho thuê. Đối với việc nhận hàng đại lý, doanh thu là hoa hồng đại lý; (4) Đối với sản phẩm nhận gia công, doanh thu tính theo giá gia công ghi trong hợp đồng. Đối với sản phẩm giao khoán, doanh thu là số tiền phải thu trong hợp đồng. Trường hợp thu bằng sản phẩm thì chỉ tính doanh thu sau khi đã bán sản phẩm; (5) Đối với sản phẩm xây lắp thi công trong nhiều năm, doanh thu là giá trị phải thu tương ứng với khối lượng công việc, hạng mục công trình hoàn thành trong năm được chấp nhận thanh toán; và (6) Ngoài ra cũng cần cụ thể hoá các quy định về điều kiện và thời điểm xác định doanh thu theo đặc thù của ngành nghề kinh doanh.

-Nhà nước cần mở rộng quyền tự chủ chi tiêu của TCT bằng các quy định rõ ràng về quyền và trách nhiệm của họ: (1) TCT hàng năm có trách nhiệm tạo ra một lượng lợi nhuận định mức (chẳng hạn, tỷ suất lợi nhuận/vốn hàng năm phải bằng hoặc lớn hơn lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm), nếu vượt sẽ được thưởng, nếu không đạt phải chịu trách nhiệm theo quy định như bồi thường vật chất, miễn nhiệm, bãi nhiệm , (2) TCT được quyền quyết định các vấn đề thuê mướn, tuyển dụng lao động, trả lương cho công nhân, đào tạo lao động, mua bán vật tư, hàng hoá, các chi phí tiếp tân, khánh tiết, giao dịch đối ngoại; (3) Phải thực hiện chế độ hoá đơn chứng từ, hạch toán thống nhất góp phần làm lành mạnh hoá tình hình tài chính. Nội bộ TCT cần có những quy định cụ thể về phân loại chi phí, hạch toán các chi phí phát sinh, định mức chi phí phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh trong khuôn khổ các văn bản pháp quy có liên quan do nhà nước ban hành.

3.Về cơ chế phân phối lợi nhuận

TCT cũng như các doanh nghiệp nhà nước khác đều có nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm về bảo toàn vốn, về lời lỗ trong kinh doanh, chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất kinh doanh trong khuôn khổ luật pháp cho phép. Trong phạm vi của TCT, các doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập nếu hoạt động không hiệu quả, mất khả năng thanh toán phải bị loại ra khỏi môi trường sản xuất kinh doanh theo Luật phá sản. Có thể nhận thấy, việc phân phối lợi nhuận, chưa thay đổi kịp với sự thay đổi mô hình của TCT và các doanh nghiệp thành viên dẫn tới làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn khi điều hành sản xuất kinh doanh. Việc trích lập các quỹ còn nhiều bất hợp lý như: (1) Trích lập quỹ trợ cấp mất việc làm từ lợi nhuận sau thuế; (2) Nộp thu sử dụng vốn từ lợi nhuận sau thuế. Ngoài ra, việc phân phối lợi nhuận chưa theo quan điểm tỷ lệ góp vốn của các bên, điều này, một mặt gây bất bình đẳng và bất hợp lý, mặt khác có thể buộc nhà nước phải gánh chịu lỗ khi TCT kinh doanh không hiệu quả.

Từ thực tiễn nêu trên, quy chế quản lý tài chính cần đảm bảo lợi nhuận thực hiện của Công ty, sau khi bù đắp lỗ năm trước và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành, được phân phối cho: (1) Các thành viên góp vốn liên kết theo quy định của hợp đồng (nếu có); (2) Bù đắp các khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế; (3) Trích lập 10% vào quỹ dự phòng tài chính (không quá 25% vốn điều lệ); (4) Trích lập các quỹ đặc biệt từ lợi nhuận sau thuế theo tỷ lệ đã được nhà nước quy định đối với các Công ty đặc thù (nếu có); (5) Phần còn lại được phân phối theo tỷ lệ giữa vốn nhà nước đầu tư tại Công ty và vốn Công ty tự huy động bình quân trong năm.

4.Về kế hoạch tài chính và công tác kế toán - thống kê - kiểm toán

Căn cứ vào chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nứơc đầu tư do HĐQT và TCT giao, các Công ty xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn và hàng năm phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty. Chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận giao cho các đơn vị phải lớn hơn lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm gần nhất.

HĐQT hoặc Giám đốc quyết định kế hoạch tài chính của Công ty và báo cáo TCT để làm căn cứ giám sát, đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh. Nếu trong 2 năm liên tiếp Công ty không hoàn thành kế hoạch thì sẽ bị tụt hạng doanh nghiệp, không được trích lập các quỹ khen thưởng; Ban Giám đốc và lãnh đạo đơn vị sẽ bị xem xét miễn nhiệm. Trường hợp vi phạm các nguyên tắc về quản lý sẽ bị truy cứu trách nhệm cá nhân trên cơ sở những thiệt hại gây ra.

Cuối kỳ kế toán (quý, năm), Công ty phải lập, trình bày và gửi báo cáo tài chính và báo cáo thống kê theo quy định của pháp luật. HĐQT hoặc Giám đốc chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của báo cáo này. Báo cáo tài chính hàng năm của đơn vị phải được kiểm toán. Tình hình tài chính của Công ty hàng năm phải được công khai và chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan tài chính có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Những văn bản do nhà nước ban hành, cần được TCT cụ thể hoá bằng những quy định áp dụng cho các đơn vị thành viên. Những quy định này có thể được trình bày trong Quy chế tài chính của TCT hoặc HĐQT trong phạm vi trách nhiệm của mình, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm chấp hành các quy chế, thể lệ kế toán thống kê của nhà nước, hạch toán kế toán, mẫu biểu kế toán, và thời gian lập báo cáo kế toán, quyết toán. Mặt khác, cũng cần quy định rõ thời gian, cách thức các đơn vị thành viên lập báo cáo kế toán, quyết toán, kế hoạch tài chính gửi về TCT.

5.Quan hệ kinh tế giữa các đơn vị thành viên với nhau và với TCT

Trong các TCT theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, cơ chế quản lý chủ yếu được xây dựng dựa trên quan hệ hợp đồng kinh tế. Quy chế tài chính cần xác định rõ tính độc lập của các đơn vị thành viên trong TCT. Đơn vị thành viên là doanh nghiệp hạch toán độc lập và đơn vị hạch toán phụ thuộc có điều lệ tổ chức và hoạt động riêng; đơn vị sự nghiệp có quy chế tổ chức và hoạt động riêng. Các điều lệ và quy chế này đều do HĐQT phê chuẩn phù hợp với pháp luật và điều lệ cụ thể của TCT. Quan hệ giữa tính độc lập của đơn vị thành viên và sự quản lý tổng thể của TCT không hề mâu thuẫn với nhau mà chỉ làm cho các mối quan hệ này thực chất hơn và hiệu quả hơn.

Có thể nói, cơ chế điều hoà vốn có tầm quan trọng đặc biệt trong các TCT. Việc điều hoà vốn phải được quy định cụ thể trong quy chế tài chính của TCT theo những nguyên tắc nhất định, đó là (1) Nguyên  tắc về quyền tự chủ kinh doanh; (2) Nguyên tắc hiệu quả của sự điều hoà vốn, và (3) Nguyên tắc hợp lý giữa lợi ích chung toàn TCT với lợi ích cục bộ mỗi đơn vị thành viên. Bởi lẽ mỗi đơn vị thành viên cũng là những pháp nhân kinh tế tự chịu trách nhiệm trước TCT, trước nhà nước, trước pháp luật về các hoạt động kinh doanh của mình, cho nên việc điều hoà vốn không được gây những ảnh hưởng lớn tới nhiệm vụ kinh doanh của các đơn vị thành viên, tới trách nhiệm dân sự của họ.

6.Một số kiến nghị với nhà nước

-Về quyền tiếp cận tín dụng của TCT. Hiện nay, nhu cầu đầu tư vốn của các TCT rất lớn, nhà nước nên cho phép các TCT tự quyết định việc huy động vốn từ các tổ chức ngoài TCT (không bao gồm các khoản vay nội bộ các doanh nghiệp thành viên TCT) trong giới hạn dư nợ nhất định so với mức vốn điều lệ thực có (Vốn điều lệ = Tổng giá trị tài sản toàn TCT – Giá trị các khoản phải trả - Giá trị các khoản thua lỗ, mất vốn .). Giới hạn này có thể là từ 100% đến 200% tổng vốn điều lệ thực có. Trong phạm vi dư nợ cho phép, TCT phân cấp cho HĐQT và Tổng Giám đốc quyết định việc vay vốn. Trường hợp có nhu cầu vay ngoài hạn mức cho phép thì phải được Bộ Tài chính cho phép.

-Về chế độ thuế đối với các sản phẩm và tài sản luân chuyển nội bộ: (1) Theo chế độ hiện hành, các doanh nghiệp thành viên TCT là các pháp nhân kinh tế, do đó phải có nghĩa vụ thuế với nhà nước. Nhà nước nên miễn thuế gián thu cho các sản phẩm hàng hoá luân chuyển nội bộ TCT nếu sản phẩm hàng hoá này bán ra ở khâu kinh doanh. Điều này sẽ khắc phục sự trùng lắp thuế và, do đó, giảm giá thành của sản phẩm tiêu thụ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Với lượng thuế phải nộp như hiện nay, doanh nghiệp có thể bị giảm lãi, thậm chí bị lỗ. (2) Đối với những tài sản điều động từ doanh nghiệp thành viên này sang doanh nghiệp thành viên kia trong TCT thuộc diện phải đăng ký quyền sở hữu, quản lý và nộp lệ phí trước bạ thì nhà nước nên miễn lệ phí trước bạ cho những tài sản này khi đăng ký quyền sở hữu. Trên thực tế, các tài sản đó cuối cùng cũng đều là của TCT, lệ phí trước bạ hiện nay chỉ làm tăng chi phí và làm giảm hiệu quả kinh doanh của TCT.

Kết luận

Quy chế tài chính là một trong những nền tảng chính cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung, trong đó có các TCT được tổ chức theo mô hình “Công ty mẹ - Công ty con”. Do vị thế quan trọng của các TCT này đối với nền kinh tế, việc vận dụng quy chế này đòi hỏi sự rà soát thường xuyên, nhằm kịp thời phát hiện những vướng mắc, cản trở để trên cơ sở đó đưa ra được những sự điều chỉnh cần thiết tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

(Nguồn: KTPT)