Úc cáo buộc doanh nghiệp Việt bán phá giá nhôm ép tới 34%

Ủy Ban Chống bán phá giá Australia (ADC) vừa công bố kết luận sơ bộ về điều tra chống bán phá giá sản phẩm nhôm ép nhập khẩu từ Malaysia và Việt Nam

17/11/2016 13:11

Ủy Ban Chống bán phá giá Australia (ADC) vừa công bố kết luận sơ bộ về điều tra chống bán phá giá sản phẩm nhôm ép nhập khẩu từ Malaysia và Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, ADC đã công bố kết luận sơ bộ khẳng định có bán phá giá trong cuộc điều tra chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) sản nhôm ép (mã HS: 7604.10.00, 7604.21.00, 7604.29.00, 7608.10.00, 7608.20.00, 7610.10.00, và 7610.90.00) nhập khẩu từ Malaysia và Việt Nam (ADC chưa có kết luận sơ bộ đối với điều tra chống trợ cấp).

Cụ thể, theo cáo buộc của ADC, các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam bán phá giá với biên độ từ 8,5% đến 34,2%; của Malaysia từ -4,3% đến 14,5%.

Trước đó, ngày 27/6 năm 2016, Công ty Capral Limited, một nhà sản xuất sản phẩm nhôm ép của Australia (nguyên đơn) đã gửi đơn kiện lên ADC đề nghị khởi xướng điều tra vụ việc này.

Ngày 16/8/2016, ADC đã chính thức khởi xướng điều tra. ADC cũng đã tiến hành thẩm tra tại chỗ đối với doanh nghiệp bị đơn bắt buộc của Việt Nam vào cuối tháng 10/2016.

Thuế chống bán phá giá tạm thời (dưới dạng các khoản đặt cọc) sẽ được áp cho sản phẩm bị điều tra kể từ ngày 19/10 nhằm đảm bảo ngăn chặn những thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước của Australia.

Hiện, vụ việc vẫn đang được ADC điều tra trước kho cơ quan này ban hành kết luận cuối cùng về việc áp thuế bán phá giá chính thức.

Ủy ban dự kiến sẽ báo cáo với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp đổi mới và Khoa học Australia về kết quả cuối cùng của vụ việc điều tra này trước ngày 18/1/2017 và sẽ ra quyết định có áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp hay không, và biên độ áp thuế bao nhiêu.

Gần đây, doanh nghiệp Việt Nam liên tục bị các nước cáo buộc bán phá giá với nhiều mặt hàng thép. Mới đây, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã khởi kiện lên Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc doanh nghiệp Việt bán phá giá nhiều mặt hàng thép như thép cán nguội, thép cuộn, tôn mạ màu... vào Mỹ và hoài nghi nguồn gốc các sản phẩm này nhập từ Trung Quốc.